Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Tạo cơ hội cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn

Với ngành Nông nghiệp, đặc biệt là các hộ nông dân thì đất đai là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng. Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của nông dân. Vì vậy, góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến đất nông nghiệp.

Nhiều điểm mới liên quan tới chính sách đất nông nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới mang tính đột phá, có ý nghĩa thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn và sẽ có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề xuất tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Ảnh: NNK

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề xuất tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Ảnh: NNK

Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định mở rộng hạn điền như: hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Điều 170 dự thảo Luật Đất đai quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất. Trong khi đó, tại Luật Đất đai 2013, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá 10 lần...

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung nhiều quy định mới về thời hạn sử dụng đất và hạn mục sử dụng đất nông nghiệp: Bổ sung quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp…

TS. Nguyễn Đình Bồng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam nhận định, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả. Đồng thời, dự thảo lần này sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tiếp cận với đất đai thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh.

Sửa luật cần thống nhất với các luật chuyên ngành khác

Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của nông dân, vì vậy dự thảo cần ưu tiên đất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) nhận định, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua sẽ tác động tới 7 luật chuyên ngành của lĩnh vực NN&PTNT, gồm các luật: Lâm nghiệp; Trồng trọt; Đê điều; Phòng, chống thiên tai; Chăn nuôi; Thủy sản; Thủy lợi.

“Để đảm bảo cơ sở thực hiện, giải quyết được các vướng mắc, chồng chéo hiện nay của Luật Đất đai với các luật chuyên ngành, việc sửa luật cần phải tiệm cận, thống nhất với các luật chuyên ngành khác khi áp dụng nguyên tắc pháp luật tại Điều 4 của dự thảo” - bà Nguyễn Thị Mai Hiên nói.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp, đối với vấn đề quy hoạch đất, phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, TS. Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế NN&PTNT kiến nghị, Dự thảo Luật sửa đổi cũng cần quy định đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp hiện hành.

Đề xuất bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Dự thảo nêu rõ, người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan, được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Đối với đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 176 của Luật này.

Thực tế, thời gian gần đây, trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật Đai sửa đổi; dự thảo không chỉ nhận nhiều ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành về đất nông nghiệp, mà còn có nhiều ý kiến từ các hội nông dân góp ý chất lượng về dự thảo. Theo đó, các ý kiến đã tập trung vào một số nội dung trọng tâm về mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận quyền sử dụng đất trồng lúa và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Đồng thời, đóng góp ý kiến một số nội dung về chính sách bồi thường, đền bù thỏa đáng, thì cần rành mạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ tránh gây phiền hà cho nhân dân; dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi diện tích lớn để nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Ông Phạm Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội) góp ý, chính sách đất đai, phân cấp thẩm quyền cụ thể là cấp huyện về việc đầu tư cho thuê thầu đất nông nghiệp cần có thời hạn từ 30 năm trở lên để các nhà đầu tư thuê đất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chính sách về đất đai trong xây dựng cơ sở vật chất, phù hợp trong lĩnh vực đầu tư. Do vậy, dự thảo luật cần có chính sách ưu đãi khi đầu tư tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng...

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-tao-co-hoi-cho-san-xuat-nong-nghiep-hang-hoa-quy-mo-lon-123039.html