Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 6

Từ ngày 27-29/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội.

Hình minh họa

Hình minh họa

Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về 12 dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo chương trình dự kiến, chiều 28/8, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Sau đó cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra có thể báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên thảo luận.

Trước đó, vào chiều 14/8, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về cơ bản, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 09 chương với 101 điều, giảm 01 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá rất cao cơ quan soạn thảo là Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý 122 ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 7 về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Còn ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng bày tỏ nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật. Báo cáo đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội với 30 trang, nhiều nội dung đã được tiếp thu trong dự thảo lần này hoặc giải trình làm rõ trong dự thảo báo cáo. Các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan, chuyên gia, các cấp quản lý, đặc biệt là ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cũng đã được tiếp thu cơ bản chi tiết, đầy đủ.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa sau khi được chỉnh lý, tiếp thu, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, đạt được sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo và đến nay rất mừng không còn ý kiến nào khác nhau. Với 9 chương, 101 điều, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ít có luật nào sau một kỳ họp tiếp thu, giải trình mà 2 cơ quan đạt được sự đồng thuận và sự phối hợp rất chặt chẽ như thế này.

"Tôi thấy Bộ VHTTDL cũng như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã thực hiện tốt từ Luật Điện ảnh, tôi với đồng chí Bộ trưởng Bộ VHTTDL và đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thường trực lãnh đạo Bộ ngồi rất nhiều lần, hết sức hoan nghênh đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp nghe từ các hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc, tiếp thu hết sức cầu thị" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

"Tôi biết ngành văn hóa, thể thao, du lịch, chính quyền các địa phương mong muốn luật này được sửa đổi và có hiệu lực để trùng tu di tích lịch sử văn hóa ở địa phương, các di sản văn hóa để quản lý làm sao đi vào bài bản, khai thác được" - Chủ tịch Quốc hội cho hay./.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-duoc-cho-y-kien-tai-hoi-nghi-dbqh-chuyen-trach-lan-thu-6-20240826133800032.htm