Dự thảo Luật Đường bộ: Quy định bao quát hơn với các hành vi bị nghiêm cấm
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 24.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đường bộ.
Bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân
Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân.
Hoạt động đường bộ bao gồm nhiều hình thức tĩnh và động, trong đó bao gồm vận tải đường bộ, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng… Trong khi đó, dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh là hoạt động đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Nêu vấn đề này, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị, xem xét lại phạm vi điều chỉnh nhằm bảo đảm tính bao quát của dự thảo Luật.
Tại dự thảo Luật lần này đã bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước (Điều 5). Dẫu vậy, theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An), dự thảo Luật chưa đề cập đến các chính sách phát triển phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông đường bộ phù hợp với định hướng giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Ví dụ như chính sách khuyến khích, ưu tiên sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; hạ tầng đường bộ cung cấp, sử dụng năng lượng xanh hoặc các quy định về xây dựng chính sách áp dụng các tiêu chuẩn tiêu hao nhiên liệu và định mức phát thải trong ngành giao thông vận tải.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần thiết phải bổ sung những chính sách này vào dự thảo Luật. Bởi, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050, theo đó các chính sách về chuyển đổi năng lượng nói chung và trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng đã được ban hành. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22.7.2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, trong đó đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030.
Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu rõ: khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” là chưa phù hợp. Nguyên nhân là do phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện. Vì vậy, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn. Bởi, khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm hệ thống đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt (xe buýt nhanh - BRT, xe buýt), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Quy định hành vi bị nghiêm cấm chưa dự báo đầy đủ
Tại Điều 9, dự thảo Luật quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm, như phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tự ý tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; từ chối vận tải hoặc gây khó khăn đối với hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị thương do tai nạn giao thông…
Qua nghiên cứu, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nội hàm Điều 9 mới chỉ quy định các hành vi nghiêm cấm đối với các đối tượng là tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác đường bộ, nhưng chưa quy định các hành vi nghiêm cấm với các đối tượng là cơ quan quản lý đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; các đối tượng thanh tra, kiểm định, thanh tra đường bộ… Do đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế bổ sung các đối tượng nêu trên vào các hành vi bị nghiêm cấm cho đầy đủ hơn.
Thực tiễn có thể phát sinh những trường hợp mới mà Luật có thể chưa dự báo đầy đủ, đơn cử như vấn đề áp dụng công nghệ và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thông tin trong giao thông đường bộ chưa được nêu trong các nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Nêu vấn đề này, ĐBQH Thạch Phước Bình (Bình Phước) đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một nội dung mang tính khái quát chung trong các hành vi bị nghiêm cấm. Ví dụ như các hành vi vi phạm quy định tại Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà Quốc hội đang thảo luận và các luật khác có liên quan để bảo đảm tính đầy đủ, bao quát hơn.