Dự thảo Luật HTX sửa đổi: Vẫn cần tiếp tục lấy ý kiến

Sáng ngày 18/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật HTX (sửa đổi) trước khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội ngày 24/10 sắp tới.

Mặc dù dự án Luật HTX sửa đổi đã trình Quốc hội từ kỳ họp trước, nhưng qua thảo luận tại Quốc hội và UBTVQH nhiều lần, vẫn nổi cộm lên nhiều vấn đề cơ bản mang tính "linh hồn" của dự án luật này. Đó là vấn đề bản chất HTX là gì, HTX có phải là một loại hình doanh nghiệp (DN) nói chung nhưng có đặc thù riêng, về định hướng chính sách phát triển đối với HTX, về mô hình tổ chức, hoạt động của HTX như thế nào vừa phù hợp với sự cần thiết của thực tiễn, vừa phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế này…

Theo Dự thảo Báo cáo giải trình, Dự thảo đã có tiếp thu ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội của UBTVQH và đa số đại biểu tán thành với định nghĩa HTX như Dự thảo Luật. Theo giải trình này, định nghĩa này đã làm rõ bản chất của HTX, HTX được thành lập trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, bình đẳng, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên HTX, nhằm mang lại lợi ích cho thành viên thông qua đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Về ý kiến cần làm rõ hơn bản chất của HTX khác với DN khác hoặc quy định HTX là DN đặc thù, DN tập thể, Dự thảo Báo cáo này cho rằng Luật DN hiện hành không có loại doanh nghiệp này, nếu xác định HTX là doanh nghiệp đặc thù, cần bổ sung loại hình này vào Luật DN, không cần xây dựng một luật riêng về HTX.

Việc khẳng định HTX khác với DN về bản chất được Dự thảo Báo cáo phân tích trên nhiều khía cạnh như: mục đích hoạt động, các mối quan hệ chi phối hoạt động của HTX như: quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, quan hệ phân phối, quan hệ quản lý, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối tương quan với thị trường,…

Với giải trình trên, dự thảo vẫn đề nghị quy định theo hướng HTX là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở tự chủ, đồng sở hữu, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX theo quy định của Luật HTX.

Như vậy, Dự thảo Luật HTX sửa đổi không còn công nhận HTX là DN hay hoạt động như DN theo Luật HTX hiện hành. Lập luận này trái với thực tế, trái với thông lệ quốc tế và đang mâu thuẫn với chính lập luận cho rằng HTX là tổ chức kinh tế, có các quyền và nghĩa vụ không khác gì với DN HTX có vốn điều lệ, phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế môn bài, nộp thuế thu nhập DN, tuân thủ các quy định chế độ kế toán kinh doanh, thủ tục phá sản và các quy định khác y hệt như các loại hình DN khác. Đặc biệt về tổ chức hoạt động, HTX cũng có các bộ máy như Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, có bộ máy sản xuất kinh doanh, bán hàng… như bất cứ một DN nào khác. Theo đó, HTX cũng phải cạnh tranh bình đẳng trên thị trường để có được sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, có lợi nhất cho thành viên, cho khách hàng. Không cạnh tranh được trên thị trường, HTX sẽ không phát triển và tồn tại được.

Điểm khác biệt quan trọng nhất của HTX so với các loại hình DN khác là các thành viên, tức các đồng chủ sở hữu HTX, có góp vốn và góp vốn khác nhau nhưng lại bình đẳng, mỗi người chỉ một phiếu biểu quyết duy nhất chứ không theo mức độ góp vốn như các công ty CP, công ty TNHH. Chính nguyên tắc đối nhân này giúp HTX không bị cá nhân nào chi phối dù góp vốn nhiều bao nhiêu hay có chức vụ gì trong HTX. Đa số tập thể thành viên, kể cả khi góp vốn ít, vẫn có quyền chi phối, xác định chiến lược kinh doanh, định hướng thị trường của HTX theo hướng có lợi ích nhiều nhất cho mình.

Đã có nhiều lo ngại về việc Dự thảo Luật HTX sửa đổi không coi HTX là một loại hình DN có đặc trưng riêng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn hơn cho HTX và xã viên, như không còn được tự chủ, tài sản của HTX có thể bị chuyển giao khi giải thể, HTX không được tự do tiếp cận thị trường, khó khăn hơn khi tiếp cận vay vốn ngân hàng,…
Vì vậy việc tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến cho Dự thảo Luật HTX sửa đổi là điều cần thiết, để đạt mục tiêu của Luật là tháo gỡ khó khăn cho HTX, tạo động lực cho HTX phát triển chứ không phải để phân loại HTX cho đúng tiêu chuẩn mặc định nào đó.

--------------------

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc Hội
------------------------------------

"…Một số ý kiến băn khoăn về bản chất HTX. Có nên cho HTX góp vốn thành lập các DN khác không? Nếu cho thì cũng không sai với luật DN và Bộ luật Dân sự, tuy nhiên cần có quy định rõ tiêu chí mục đích và điều kiện để HTX thành lập DN, để bảo đảm giữ đúng bản chất HTX chứ không chạy theo lợi nhuận…".

Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
------------------------------------

"…Có các vấn đề nguyên lý cần trao đổi: kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế HTX ngày càng phát triển, việc Luật này được ban hành có làm HTX phát triển hơn không. Luật HTX sửa đổi không được có tác động xấu mà góp phần lành mạnh hóa hoạt động HTX, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Phải tổ chức thực hiện công phu ở tất cả các ngành. Không đươc chủ quan. Tính khả thi của Luật này là một vấn đề đại sự. Quan điểm riêng của tôi là vẫn thấy chưa ổn, HTX đã trải qua nhiều lần nghiên cứu rồi, thất bại nhiều lần rồi…".

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
------------------------------------

"…Dự Luật HTX là cuộc thay đổi rất lớn về bản chất HTX theo luật hiện hành, được nghiên cứu công phu kỹ lưỡng nhiều năm, để tạo động lực phát triển bền vững lâu dài cho HTX. Luật hiện hành quy định HTX là một loại hình DN nhưng không làm HTX mạnh lên. Theo khảo sát trong và ngoài nước thấy Dự thảo Luật là phù hợp. HTX chính là tổ chức bình đẳng, tự nguyện được lập không phải là vì lợi nhuận nên khác hẳn với DN. Trên cơ sở nguyên lý này, các quy định cụ thể trong Luật phải thể hiện được bản chất này".

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/du-thao-luat-htx-sua-doi-van-can-tiep-tuc-lay-y-kien-1031857.html