Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Chỉ nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính

Thẳng thắn nhận định rằng quy định về các điều kiện đảm bảo tài chính trong dự thảo luật 'còn lúng túng', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị dự thảo chỉ nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính. Những vấn đề liên quan tổ chức bộ máy, thành lập thế nào… được quy định trong pháp luật khác. Còn nếu đã tự chủ hoàn toàn về tài chính (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy, nhân sự theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tiếp tục phiên họp thứ 18, sáng nay, 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 4, đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về nhiều quy định, trong đó có cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

Theo người đứng đầu Ủy ban Xã hội, dự thảo đã khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thưc hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Quang cảnh phiên họp

Cụ thể, tự chủ về tài chính bao gồm: quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật; quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng nguồn tài chính của cơ sở.

Nội dung tự chủ về tài chính còn có quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng các tài sản do cá nhân, tổ chức, đơn vị cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ Y tế.

Tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó khẳng định: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết; bổ sung quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quy định hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Lãnh đạo Chính phủ và thành viên Chính phủ tham dự phiên họp

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể giá khám bệnh, chữa bệnh theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cốt lõi của tự chủ là tự chủ về tài chính. Cốt lõi của tự chủ tài chính là bảo đảm sự minh bạch. “Công khai chính là sức mạnh lớn nhất”, người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh. Thẳng thắn nhận định rằng các quy định về các điều kiện đảm bảo về tài chính trong dự thảo luật “còn lúng túng”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý chỉ nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính. Những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, thành lập thế nào… được quy định trong pháp luật khác. Còn nếu đã tự chủ hoàn toàn về tài chính (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy, nhân sự theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị quy định cả vấn đề kế toán và kiểm toán theo hướng đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán, kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. “Công khai là sức mạnh lớn nhất, chi phí tính vào chi phí hoạt động. Đơn vị hoàn toàn của Nhà nước thì có Kiểm toán Nhà nước”, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.

Cùng với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất và đề xuất thêm một số cơ chế, chính sách về y tế, đặc biệt là về những cơ chế đặc thù, đặc cách và đặc biệt đối với phòng, chống dịch Covid-19 và các vấn đề y tế trong điều kiện đó.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//du-thao-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-chi-nen-quy-dinh-thuan-tuy-ve-tu-chu-tai-chinh-863649.html