Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3: Nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên

Theo Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất (lần 3), nhà giáo vẫn được hưởng lương theo bảng lương được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các khoản phụ cấp khác, trong đó có phụ cấp thâm niên. Đây là nội dung mới, nếu được luật hóa và được các cấp có thẩm quyền thông qua, nhà giáo sẽ được giữ lại phụ cấp thâm niên, ghi nhận thời gian công tác và sự cống hiến của nhà giáo cả nước.

Cô trò Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) trong giờ học.

Cô trò Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) trong giờ học.

Theo đó, Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3, tại Điều 43 về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo tại Chương V, Chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo quy định: Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương và phụ cấp như sau: Lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; Phụ cấp khác theo quy định của pháp luật. Đây có thể nói là tín hiệu vui đối với nhà giáo trong cả nước.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Đỗ Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân), chia sẻ: "Nhà trường hiện có 91 cán bộ, giáo viên, trong đó, đa phần là những cán bộ, giáo viên có thâm niên trong nghề. Phụ cấp thâm niên với nhà giáo chính là sự ghi nhận thời gian công tác, cống hiến của nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục. Phụ cấp thâm niên cũng là một hình thức thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành giáo dục. Nếu chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo tốt sẽ giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến toàn thời gian cho giáo dục, hạn chế tình trạng giáo viên phải đi làm thêm, buôn bán thêm... không còn thời gian để trau dồi chuyên môn, phát triển năng lực bản thân...". Cũng theo cô Hồng Hạnh: "Thực tế, ngành giáo có đặc thù riêng, không chỉ là thời gian giảng dạy trên lớp, giáo viên còn phải dành nhiều thời gian, công sức khi ở nhà để soạn giáo án, nghiên cứu bài giảng, làm đồ dùng dạy học, đồ dùng đồ chơi (đối với giáo viên mầm non)... Đối với những nhà giáo tâm huyết, họ giảng dạy không chỉ để kiếm tiền mà còn là để khẳng định năng lực bản thân với đồng nghiệp, với phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, ngành giáo dục hiện nay phải chịu rất nhiều áp lực. Nếu bị cắt phụ cấp thâm niên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tâm huyết, thời gian giáo viên dành cho việc soạn giảng, nghiên cứu tài liệu, đổi mới phương pháp giảng dạy... Thực tế, hình ảnh của giáo viên tác động rất lớn tới tâm lý học trò. Một giáo viên lên lớp với tâm thế, trang phục chỉn chu, sự chuẩn bị nghiêm túc và đầy đủ... sẽ khiến học sinh hứng khởi, yêu mến".

Vui mừng khi Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất quy định giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên cùng bảng lương được được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thầy giáo Lê Văn Long, giáo viên Trường Tiểu học Cán Khê (Như Thanh), chia sẻ: "Tôi đã có 20 năm công tác trong nghề, trải qua nhiều lần thay đổi cách tính lương... Nhưng sự cải cách lương lần này theo Dự thảo Luật Nhà giáo, khiến chúng tôi thực sự rất vui mừng, hy vọng chính sách sớm được hiện thực hóa để những giáo viên có thâm niên trong nghề như chúng tôi yên tâm công tác, cống hiến. Theo tôi được biết, ngoài dự thảo về lương, Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 còn quy định các chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi, các xã đặc biệt khó khăn... cũng khiến đội ngũ giáo viên chúng tôi cảm thấy ấm lòng, từ đó yên tâm công tác, gắn bó với nghề".

Tại Điều 44 Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất cũng quy định nhà giáo được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật. Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà ở, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà giáo. Khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách đặc thù hỗ trợ nhà giáo...

Nếu dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất được luật hóa, nhà giáo sẽ được trả lương theo vị trí việc làm và vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, việc chi trả lương làm sao để giảm chênh lệch giữa nhà giáo lâu năm và nhà giáo mới vào nghề; chi trả lương phù hợp đối với nhà giáo làm việc hiệu quả và làm việc chưa hiệu quả... cũng cần được nghiên cứu kỹ để khuyến khích nhà giáo có thêm động lực phấn đấu, làm việc tâm huyết, trách nhiệm, có hiệu quả, xứng đáng với những ưu đãi được nhận.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-thao-luat-nha-giao-lan-3-nha-giao-van-duoc-huong-phu-cap-tham-nien-224649.htm