DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): CẦN QUY ĐỊNH RÕ THỜI HẠN BẢO HÀNH NHÀ Ở

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại kỳ họp thứ 6 tới đây (10/2023), Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tán thành với việc sớm sửa đổi Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, tại dự thảo cần quy định rõ thời hạn bảo hành tối đa đối với nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sứa đổi)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Nhà ở (sứa đổi)

Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Nhà ở năm 2014, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) thay thế cho Luật Nhà ở hiện hành tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo luật (sửa đổi) tăng hơn 13 Điều. Trong đó, bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.

Nghiên cứu dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến tán thành với việc sớm sửa đổi Luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách nhà ở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về nhà ở và thực tiễn thực hiện trong những năm qua.

Góp ý nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, cần nghiên cứu, rà soát quy định về quản lý, sử dụng nhà ở nói chung và vấn đề quản lý, sử dụng nhà chung cư đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến

Về hồ sơ nhà ở (Điểm b và c khoản 2 Điều 117) nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu rõ, việc quy định các giấy tờ của hồ sơ nhà ở rất quan trọng, liên quan đến việc quản lý, áp dụng trong thực tiễn khi mà chủ sở hữu nhà ở sử dụng, giao dịch, như chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, v v … thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quy định của luật để yêu cầu chủ sở hữu nhà ở phải xuất trình đủ các loại giấy tờ của hồ sơ nhà ở thì mới làm thủ tục cho chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, v v .. . .; những việc làm này có thể gây phiên hà, trở ngại cho người dân. Việc quy định như dự thảo luật dễ dẫn đến tranh cãi khi thực hiện. Chẳng hạn, việc quy định như điểm b liệt kê các loại giấy tờ và cuối điểm này có cụm từ (nếu có) thì không rõ luật quy định giấy tờ nào được coi là giấy tờ (nếu có), tức là có cũng được mà không có cũng được. Mặt khác, thực tiễn cho thấy rằng việc xây dựng nhà ở trong những năm sau ngày 1/7/2006 thì có nhiều chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ ở đô thị, đặc biệt là ở các nông thôn chỉ có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở, còn các loại giấy tờ khác rất ít có. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại các loại giấy tờ của hồ sơ nhà ở, cần quy định cụ thể, có tính khẳng định, rõ ràng về những giấy tờ có thực trong mỗi giai đoạn, không nên quy định liệt kê một loạt giấy tờ sau đó ghi (nếu có) để tránh gây phiền hà cho người dân sau này.

Về hỗ trợ kinh phí: mặc dù tán thành với quy định này của dự thảo luật tuy nhiên nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ mỗi năm Chủ đầu tư phải hỗ trợ bao nhiêu kinh phí cho Ban tự quản khu nhà ở để chăm sóc cây xanh, vườn hoa và bảo trì các công trình tiện ích hoặc hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Còn quy định như dự thảo là có thể hỗ trợ thêm kinh phí thì rất khó khả thi, vì các chủ đầu tư không dễ gì tự nguyện bỏ kinh phí cho Ban tự quản khu nhà ở để chăm sóc cây xanh, vườn hoa và bảo trì các công trình tiện ích hoặc hệ thống hạ tầng kỹ thuật …. hoặc nếu có hỗ trợ thêm kinh phí, thì chủ đầu tư sẽ hỗ trợ rất ít.

Liên quan đến chuyển đổi công năng của nhà, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định của dự thảo luật, vì nhà ở đã cũ, có thể bị hư hỏng mà còn quy định chuyển công năng thành nhà công vụ để bố trí cho cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thuê ở là không phù hợp, không khả thi, vì nhà đã cũ, hỏng làm sao có thể cho các cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thuê để ở được. Quy định này còn làm giảm thanh danh, danh dự của cán bộ, công chức, người khác có quyền được thuê nhà công vụ để ở.

Về nhà công vụ, đồng tình chính sách bố trí cho cán bộ, công chức và những trường hợp khác được thuê nhà công vụ; tuy nhiên nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị cần quy định chặt chẽ về các điều kiện được thuê nhà công vụ để tránh có những trường hợp đã có nhà ở riêng nhưng không ở và xin thuê nhà công vụ với ưu đãi giá rẻ để ở, còn nhà riêng của mình cho tổ chức, cá nhân khác thuê. Hoặc có một số trường hợp thuê nhà ở công vụ nhưng khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển nơi khác…. mà không chụi trả nhà công vụ cho cơ quan quản lý, vẫn cố giữ nhà công vụ. Hoặc một số trường hợp khác không đủ điều kiện thuê nhà công vụ nhưng đã chạy cửa sau để được thuê nhà công vụ hoặc vi phạm pháp luật mà không chụi trả nhà công vụ cho Nhà nước, v v….

Về thời gian bảo hành nhà ở: nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến tán thành cần quy định rõ thời hạn bảo hành nhà ở, nhưng dự thảo luật mới chỉ quy định thời hạn bảo hành tối thiểu, mà chưa quy định rõ thời hạn bảo hành tối đa; việc quy định như dự thảo luật thì sẽ bất lợi cho bên bán, bên cho thuê mua nhà ở. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ thời hạn bảo hành tối đa đối với nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ là bao nhiêu tháng.

Ngoài ra, đối với quy định về cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư: Việc quy định của dự thảo luật không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, không có tính khả thi, vì số lượng nhà chung cư ở các tỉnh, thành phố rất nhiều, chẳng hạn như trên địa bàn thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh có số lượng nhà chung cư rất lớn, thì Ủy ban nhân dân thành phố không có đủ thời gian, nhân lực để xử lý vấn đề này. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định giao cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện, quận thực hiện các công việc nêu tại Điều 152 là phù hợp, không nên giao cho Ủy ban nhân dân, nhất là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện. /.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78244