Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự:Cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh
Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh đồng thời đề nghị, nghiên cứu kỹ việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông): Tăng nặng hình thức xử phạt với tội quảng cáo gian dối

ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông)
Tôi tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới; góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và các tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua, tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, lừa dối khách hàng đã ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, yêu cầu cấp bách là hoàn thiện hệ thống thể chế đối với hành vi này.
Tôi đề nghị, cần tăng nặng hình thức xử phạt. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp xử phạt mạnh mẽ hơn nữa về tội quảng cáo gian dối để ngăn chặn, cảnh tỉnh, răn đe. Thậm chí có thể nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, áp dụng phạt tiền theo tỷ lệ doanh thu từ hoạt động quảng cáo thay vì mức từ 5 triệu đến 50 triệu đồng như hiện nay.
Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kinh nghiệm quốc tế về một số nội dung như: hình phạt tù chung thân không xét giảm án; không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, làm cơ sở cho việc áp dụng cho Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
Để tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tôi tán thành quan điểm mở rộng chịu trách nhiệm hình sự hành vi chuẩn bị phạm tội với một số tội danh: tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất trái phép chất ma túy. Song, để bảo đảm quy định có thể triển khai trong thực tiễn, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng việc cấu thành tội phạm của hành vi chuẩn bị phạm tội với các tội danh trên, bảo đảm tính khả thi của quy định.
Về tội danh sử dụng trái phép chất ma túy, cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn tính cấp thiết, căn cứ pháp lý và thực tiễn của việc quy định tội danh này trong dự thảo Luật.
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái): Thu hẹp hình phạt tử hình là phù hợp với xu hướng trên thế giới

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái)
Tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 9 về phân loại tội phạm cho thấy, dự thảo Luật cơ bản quy định như Luật hiện hành, bổ sung đối với Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (điểm d) là tù chung thân không xét giảm án ở tất cả các tội có hình phạt tù chung thân nhằm nới rộng khung hình phạt đối với các tội này, tăng thêm lựa chọn trong áp dụng hình phạt. Có thể thấy đây là mức hình phạt mang tính răn đe nghiêm khắc được nâng lên một bước so với quy định hiện hành.
Dự thảo Luật cũng đề xuất thu hẹp hình phạt tử hình các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
Việc thu hẹp hình phạt tử hình là phù hợp với xu hướng trên thế giới. Nhiều quốc gia và Liên Hợp Quốc đang kêu gọi các nước thu hẹp hoặc xóa bỏ hình phạt tử hình. Việc thay thế tử hình bằng tù chung thân không xét giảm án thể hiện sự tiếp cận nhân đạo và bảo vệ quyền sống - quyền con người cơ bản. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, với Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định "mọi người có quyền sống" và việc hạn chế hình phạt tử hình góp phần thực hiện tinh thần này.
Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, việc thu hẹp hình phạt tử hình và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án là có cơ sở pháp lý và phù hợp với xu thế tiến bộ, nhưng cần thực hiện thận trọng, có lộ trình và phân tích kỹ từng tội danh để bảo đảm giữ vững hiệu quả răn đe và phòng ngừa; phù hợp với tâm lý xã hội; không ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Việc không áp dụng hình phạt tử hình với Tội tham ô tài sản, nhận hối lộ cũng đã được nhiều nước áp dụng, vì sẽ khuyến khích hợp tác điều tra, khắc phục hậu quả, tạo hiệu ứng nhân đạo, pháp trị thay vì bạo lực hình phạt. Nếu tử hình được giữ nguyên, người phạm tội có thể không chịu nộp lại tài sản hoặc che giấu hành vi. Mặt khác, chúng ta sẽ thay bằng hình thức tù chung thân không giảm án, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, cấm vĩnh viễn tham gia vào bộ máy nhà nước và người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả hoặc hợp tác tích cực với cơ quan điều tra.
ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi): Cân nhắc giữ nguyên hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản, nhận hối lộ

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi)
Tôi nhất trí với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 5 tội danh: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân; phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; gián điệp.
Riêng đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản, nhận hối lộ, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc giữ nguyên hình phạt tử hình đối với 3 tội danh trên.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với vận chuyển trái phép chất ma túy ngoài mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm còn hướng tới mục tiêu không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy. Nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này sẽ làm giảm tính răn đe, tạo kẽ hở để tội phạm ma túy phát triển phức tạp.
Đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, hiện nay tình hình tham nhũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, vẫn cần tiếp tục duy trì hình phạt này để bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là xử lý nghiêm loại tội phạm này.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính đối với 8 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình và 10 tội danh vẫn duy trì hình phạt tử hình, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bởi thứ nhất, hình phạt tù chung thân không xét giảm án về bản chất không khác biệt gì so với hình phạt tù chung thân. Bởi, người bị áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án vẫn được đại xá, ân giảm hoặc đặc xá.
Thứ hai, ân giảm là đặc quyền của Chủ tịch nước trao cho người bị kết án tử hình. Việc Chủ tịch nước có thẩm quyền ân giảm đối với các trường hợp người bị áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án là chưa phù hợp với vị thế, vai trò của người đứng đầu Nhà nước cũng như tính chất của hình phạt.
Thứ ba, quy định này sẽ làm tăng áp lực kinh tế cho nhà nước, vấn đề cần được cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động cụ thể và xin ý kiến rộng rãi.
Thứ tư, đối với 10 tội danh vẫn giữ nguyên hình phạt tử hình thì bên cạnh hình phạt tử hình còn có hình phạt tù chung thân không xét giảm án, như vậy chính sách hình sự trong dự thảo Luật nặng hơn so với Bộ luật Hình sự hiện hành.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc về sự cần thiết bổ sung hình phạt này, vì đây là chính sách lớn, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết, đánh giá cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời cần có sự tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có sự tương đồng về hệ thống pháp luật.