Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn
ng Nguyễn Chí Mì, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội nhấn mạnh Dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn.
Dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở gồm 7 Chương, 59 Điều, phạm vi điều chỉnh nội dung, cụ thể: Quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm: đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức CT-XH; doanh nghiệp, tổ chức HTX có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH và Ủy ban Thường vụ QH (trừ Văn phòng QH); HĐND và các Ban của HĐND các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của QH và HĐND các cấp. Quy định việc thực hiện dân chủ trong hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Quy định việc thực hiện dân chủ trong lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.
Về nguyên tắc thực hiện, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ông Phạm Ngọc Thảo đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: HNP
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức, ngày 24/2, các đại biểu cũng góp ý, đề xuất bổ sung thêm khối các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; cần cung cấp dự thảo các đề án, dự án, kế hoạch… cho người dân, doanh nghiệp trước khi ban hành chính thức.
Đồng thời, làm rõ việc ủy quyền bằng văn bản hay bằng lời nói, nội dung và số lượng người được nhận ủy quyền; phải thể hiện được những thành quả của dân chủ ở cơ sở khi người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng; có chế tài xử phạt việc tung tin sai, giả mạo dân chủ trên mạng xã hội và áp dụng việc lấy ý kiến trưng cầu của Nhân dân; cần cụ thể hóa Luật để tránh có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành…; cái gì đã có ở luật khác thì không đưa vào Luật…
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật đề nghị bổ sung quy định về người dân được quyền tham gia ý kiến đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền trên cấp xã; bổ sung nội dung Nhân dân thực hiện giám sát thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và nâng cao ý thức, năng lực, trách nhiệm của Đảng, Chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tạo sự đồng thuận.
Đồng thời, cần tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của nhân dân do MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội chuyển đến…
Ông Nguyễn Chí Mì phát biểu ý kiến đóng góp tại hội nghị. Ảnh: HNP
Ông Nguyễn Chí Mì, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội nhấn mạnh Dự thảo Luật có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn.
Ông Mì đề nghị cần làm rõ nội dung ủy quyền trong Dự thảo Luật, cùng với đó kiến nghị cần có các chế tài để nghiêm cấm việc lợi dụng dân chủ ở cơ sở để chống phá, gây mất đoàn kết trong tổ chức, cộng đồng dân cư.