Dự thảo nên đưa ra một tầm nhìn chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với khu vực và thế giới để tránh bị tụt hậu
NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà hiện là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam với rất nhiều tâm huyết dành cho kịch hát truyền thống dân tộc. Để góp thêm ý kiến xây dựng Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hơn, có tính thực tiễn cao hơn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với NSND Giang Mạnh Hà.
PV: Thưa NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà, là người gắn bó với lĩnh vực sân khấu trong vai trò diễn viên, đạo diễn, giảng viên, quản lý văn hóa nghệ thuật… ông có thể cho biết nhận xét của mình về Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ?
NSND Giang Mạnh Hà: Tôi rất ủng hộ Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030. Về cơ bản, Dự thảo đã nêu được tổng hòa các thành tố của nền văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó cũng đặt ra mục tiêu phát triển chung, mở rộng biên độ ở một số ngành, một số lĩnh vực trọng tâm, không khép kín gò bó như trước, có chú ý đến hợp tác, giao lưu, trao đổi trong quan hệ quốc tế theo xu thế và quy luật phát triển của thời đại.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về Mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt của Dự thảo, đó là: "Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế "?.
NSND Giang Mạnh Hà: Tôi đánh giá cao mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt của Dự thảo.
PV: Còn về chỉ tiêu cụ thể được đặt ra tại Dự thảo, nghệ sĩ có gì góp ý gì?
NSND Giang Mạnh Hà: Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể chỉ mới đề cập ở một số lĩnh vực như lý luận phê bình, văn học nghệ thuật (VHNT) về văn học bao nhiêu tác phẩm văn xuôi một năm, về điện ảnh bao nhiêu bộ phim một năm… Ngoài những lĩnh vực trên còn thiếu vắng khá nhiều lĩnh vực chuyên ngành tiêu biểu chưa được phân kì, chưa có lộ trình, ví dụ : quản lý văn hóa, xây dựng hệ thống các bộ luật cho chuyên ngành, cuộc cách mạng công nhiệp 4.0, ngành nghệ thuật biểu diễn, lĩnh vực đào tạo VHNT. Cần xem lại chỉ tiêu cụ thể cho từng năm không nên nêu chung chung. Dự thảo cần đưa ra tầm nhìn mang tính chiến lược, xây dựng lộ trình, phân kì bằng bước đi cụ thể cho các lĩnh vực.
PV: Thưa nghệ sĩ, trong phần nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số lĩnh vực văn hóa của nghệ thuật biểu diễn tại Dự thảo cũng đã dành rất nhiều nội dung như : "Ưu tiên đầu tư giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình có nguy cơ thất truyền. Phát triển hài hòà, cân đối giữa các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Tăng cường giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ra thế giới". Ông thấy như vậy đã hợp lý ?
NSND Giang Mạnh Hà: Những nhiệm vụ và giải pháp nêu ra trong Dự thảo là rất đúng. Tuy nhiên tôi cũng thấy những điều này có ở nhiều văn bản trước đó. Cá nhân tôi thấy Dự thảo còn thiếu điều rất cơ bản, chưa được đề cập đến là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực một cách cụ thể, có bài bản. Chúng ta chưa có chiến lược đào tạo cho chuyên ngành đặc thù.
Tôi nói thật là bản thân đã học diễn viên, đạo diễn, quản lý VHNT và đang giảng dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thì nhận thấy 40 năm nay giáo trình đào tạo thay đổi không đáng kể. Nói riêng về đào tạo các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải Lương, Dân Ca Kịch, Múa Rối, khi tuyển sinh gặp vô cùng khó khăn. Nhiều năm trước ở 2 trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP. HCM khi tuyển sinh ngành kịch hát truyền thống dân tộc thu hút hàng ngàn hồ sơ dự tuyển. Còn vài năm gần đây chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 20 diễn viên thì chỉ có từ 15-17 hồ sơ dự tuyển. Để trở thành diễn viên, nhạc công vừa đòi hỏi phải có năng khiếu bẩm sinh vượt trội, ngoại hình phải đẹp, hài hòa cân đối, có giọng ca tốt. Nghị quyết của Đảng đã khẳng định văn nghệ sĩ là tài sản của quốc gia, nghệ thuật truyền thống là tinh hoa vô giá của dân tộc, giá trị tinh hoa như thế, tài sản quý như thế mà không tuyển được nhân tài cho đất nước?. Có khá nhiều diễn viên trẻ khi tốt nghiệp ra trường về các đơn vị nghệ thuật lại tiếp tục bỏ nghề. Câu hỏi mà chúng ta phải trả lời vì sao lại có thực trạng đó?. Theo nhận thức của tôi xây dựng giải pháp không khó, có điều là chúng ta có làm và quyết tâm thực hiện hay không?. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, vì đây là lực lượng kế cận là hạt nhân tiêu biểu, là nền tảng, yếu tố con người để đảm bảo cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật bền vững của đất nước.
Về lĩnh vực đào tạo có thể quan sát, tiếp cận ở một số nước trong khu vực, chúng tôi có dịp đi thăm quan trao đổi kinh nghiệm về phát triển văn hóa nghệ thuật ở một số nước, trong đó gần nhất là Trung Quốc. Tại Học viên Sân khấu Điện ảnh Thượng Hải có sinh viên của 52 quốc gia theo học các chuyên ngành, nhưng bạn cho biết khoảng 50 năm nay không có sinh viên Việt Nam theo học tại Học viện này. Xu thế phát triển của thời đại đòi hỏi và yêu cầu chúng ta không chỉ tập trung đào tạo ở trong nước mà trong Dự thảo nên đưa ra một tầm nhìn chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với khu vực và thế giới để tránh bị tụt hậu trong nhiều lĩnh vực của nền văn hóa. Chúng ta cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu từ nay đến năm 2030 ở các lĩnh vực tạo sự đột phá, cần phải có nhiều chuyên gia tiêu biểu, tập trung đào tạo được nhiều "máy cái", bậc thầy giỏi, để khi trở về nước người thầy sẽ đào tạo ra nhiều thế hệ nhân tố mới, tài năng ở các lĩnh vực của đời sống văn hóa nghệ thuật. Cần lắm phải xây dựng lộ trình, phân kì, có bước đi cụ thể trong đề án.
PV- Là nghệ sĩ sân khấu với mong muốn nghệ thuật biểu diễn phát triển, được ghi nhận với nhiều tác phẩm chất lượng cao, có chỗ đứng trong lòng khán giả, ông sẽ bày tỏ hay chia sẻ thêm điều gì?
NSND Giang Mạnh Hà: Để ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển, sáng tạo được nhiều công trình, tác phẩm VHNT có chất lượng cao không thể làm được trong ngắn hạn, vì ngành nghệ thuật biểu diễn là mối tổng hòa của nhiều chuyên ngành, nhiều nội dung, nhiều hạng mục hết sức phong phú, đa sắc, đòi hỏi phải có sự can dự, vận hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trọng tâm chiến lược phát triển văn hóa vẫn là nguồn lực con người, một quốc gia càng có nhiều tài năng, nhiều hạt nhân đầu tàu thì càng có nhiều công trình, tác phẩm, sản phẩm VHNT phục vụ cuộc sống, xuất khẩu ra thế giới đồng thời để lại những công trình sáng tạo cho mai sau. Tôi kì vọng với tầm nhìn mới, tâm thế mới, hơi thở mới, chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2020-2030 sẽ thực sự đi vào cuộc sống, có vị thế xứng đáng trong sự phát triển, hội nhập của đất nước.
Cảm ơn NSND Giang Mạnh Hà!.