Dự thảo Nghị định 46 tăng hàng loạt mức xử phạt giao thông

Dự thảo Bộ GTVT đã tăng mức phạt hàng loạt hành vi, với mức xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt.

Hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn được xử rất mạnh tay. Ảnh: Internet

Hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn được xử rất mạnh tay. Ảnh: Internet

Theo đó, Nghị định điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với 20 hành vi nhóm hành vi. Trong đó, đối với người điều khiển ô tô và các xe tương tự ô tô, nếu lùi xe trên cao tốc sẽ tăng mức phạt từ 800 – 1,2 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng. Quay đầu trên đường cao tốc tăng từ 800 – 1,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng lên 5-6 triệu đồng và tước bằng lái xe 2-4 tháng. Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn tăng mức phạt từ 300-400 nghìn đồng lên 800-1,2 triệu đồng.

Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định tăng mức xử phạt từ 800-1,2 triệu đồng, tước bằng lái 1-2 tháng lên mức phạt 2-3 triệu đồng và tước bằng lái 2-4 tháng.

Hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định được tăng mức phạt từ 7-8 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng, lên mức 16-18 triệu đồng và tước bằng lái 4-6 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở tăng thời gian tước bằng lái từ 1-3 tháng lên 10-12 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở tăng từ 16-18, tước bằng lái 4-6 tháng lên mức phạt 26-30 triệu đồng và tước bằng lái 10-12 tháng.

Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ điều chỉnh tăng mức phạt từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng lên 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ, phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 4-6 tháng, lên 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy tăng mức phạt từ 16-18 triệu, tước bằng lái xe 22-24 tháng, lên 26 đến 30 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng.

Bên cạnh đó, người điều khiển xe ô tô điều khiển xe lắp thêm đèn chiếu sáng về phía trước, phía sau, hai bên thành xe sẽ bị xử phạt tăng từ 800-1 triệu đồng lên 2-3 triệu đồng. Mức phạt hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe thuộc đơn vị theo quy định hoặc có tổ chức khám nhưng không đầy đủ nội dung khám theo quy định được tăng mức phạt từ 1-2 triệu đối với cá nhân và 2-4 triệu đối với tổ chức lên 7-10 triệu với cá nhân và 14-20 triệu đối với tổ chức.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình hoặc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô thực hiện hành vi làm sai lệch các thông tin, dữ liệu theo quy định.

Đối với người điều khiển xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng, lên mức 5-7 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở tăng từ 3-4 triệu đồng, tước bằng lái 3-5 tháng lên mức 5-7 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng.

Bộ GTVT, cho biết trước tình trạng vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, hiện tượng lùi xe, đỗ xe trên đường cao tốc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, đã có những trường hợp gây tai nạn giao thông phải chuyển xử lý hình sự tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội.

Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nguyên nhân lái xe vi phạm ma túy, nồng độ cồn, đi không đúng làn đường, phần đường, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận, tạo áp lực cho công tác đảm bảo ATGT.

Một số hành vi trong lĩnh vực đường bộ chưa được quy định chế tài xử phạt cụ thể trong Nghị định như hành vi lắp thêm đèn chiếu sáng phía trước của các xe ô tô, gây ảnh hưởng, mất an toàn giao thông đối với xe đi ngược chiều. Đồng thời, trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng người lái xe sử dụng ma túy, cấp giấy vận tải, lệnh vận chuyển cho lái xe hoặc đảm bảo nội dung theo quy định... Vì vậy, Nghị định này đã xem xét tăng mức phạt và bổ sung xử phạt một số hành vi như trên.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng, Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, cho biết các đề xuất tước bằng lái xe vĩnh viễn, phạt lao động công ích, phạt tù… tài xế sử dụng rượu, bia tham gia giao thông chưa thể điều chỉnh trong Nghị định 46. Vì Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép tước bằng lái tối đa 24 tháng, xử phạt cá nhân uống rượu, bia tối đa 40 triệu đồng.

Hiện Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được Bộ GTVT, Bộ Tư pháp tổng kết để sửa đổi. Để nghiêm trị “ma men”, trong quá trình này, Bộ GTVT sẽ xem xét và kiến nghị sửa đổi các quy định phù hợp nhằm răn đe, phòng ngừa tai nạn giao thông do người uống rượu, bia gây ra.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/du-thao-nghi-dinh-46-tang-hang-loat-muc-xu-phat-giao-thong-835634.html