Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020: Nhiều vấn đề gây tranh cãi
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, một số quy định trong Dự thảo Nghị định không phù hợp thực tế, chồng chéo, dễ phát sinh tiêu cực.
Không đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
30 tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế vừa có thư kiến nghị gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về việc quy định trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020; trong đó đề nghị tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc và không lùi thời gian thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) ở Việt Nam.
“Nếu Nghị định giới hạn tăng không quá 5% cho 3 năm (Khoản 6, Điều 87 dự thảo Nghị định) sẽ không thể đạt mục tiêu tái chế 85% vào năm 2025 như đã đề ra trong Quyết định 1316 của Thủ tướng Chính phủ”, thư kiến nghị nêu.
Cũng theo thư kiến nghị, mức đóng góp tài chính tại dự thảo là quá thấp, không tạo được động lực để hỗ trợ xử lý tình trạng thiếu nguồn lực thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Do đó cần thiết phải tăng tỷ lệ tái chế tối thiểu bắt buộc để đảm bảo việc thực hiện EPR tuân theo các chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Nhiều ý kiến không đồng thuận
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định nhiều chế định lớn như phân vùng môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, trách nhiệm tái chế, quan trắc môi trường, thông tin môi trường… Tuy nhiên, thủ tục cấp Giấy phép môi trường; khoản tiền tái chế sản phẩm, bao bì… là những quy định nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các hiệp hội doanh nghiệp (DN) và DN.
Góp ý về dự thảo, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nhiều quy định, phương thức, tiêu chí được đưa ra từ các nước tiên tiến, hiện đại đang được “áp” sang một đất nước đang phát triển gắn liền với nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin cấp Giấy phép môi trường, thì Dự thảo mới yêu cầu các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm đánh giá tác động môi trường và xin cấp Giấy phép môi trường... Ngoài ra, theo VASEP, cộng đồng DN cho rằng, về phí tái chế sản phẩm, bao bì chưa thực sự được minh bạch khi được gọi là “đóng góp” chứ không gọi là phí.
Không hoàn toàn đồng thuận là điều khó tránh trong quá trình xây dựng các đề án luật, nghị định hướng dẫn. Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), dự thảo đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con.
“Chỉ riêng phần chính của Dự thảo Nghị định, chưa bao gồm phụ lục, đã có tới 379 từ “giấy phép” với hàng chục loại giấy phép khác nhau. Tất cả các giấy phép tổng thể, giấy phép thành phần, giấy phép nước thải, giấy phép khí thải, giấy phép khai thác, giấy phép tái chế….đều phải đi xin, trong khi trước đây chỉ các DN có chất thải nguy hại mới phải xin giấy phép” – góp ý của Eurocham nêu rõ.
Đáng chú ý, theo Eurocham, các DN nhìn chung ủng hộ việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dự thảo đặt nặng vấn đề cấp giấy phép và thu phí, mà chưa đưa ra được các biện pháp cụ thể và hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
Hỗ trợ tái chế là trách nhiệm của các DN
Đây là khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trước ý kiến phản ánh từ cộng đồng DN xung quanh những quy định tại dự thảo. Theo đó, Bộ TN&MT cho rằng, dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, giảm 18 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành (giảm 34%); tích hợp 7 loại giấy phép. Như vậy, thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ thì theo dự thảo Nghị định, DN chỉ cần thực hiện 1 thủ tục là đề nghị cấp Giấy phép môi trường.
Về đối tượng đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, Bộ TN&MT cho biết, Khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường quy định, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường là dự án nhóm I và nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường, như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, đầu tư trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa… Trong đó Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rõ về đối tượng phải có giấy phép môi trường. Vì thế, quy định về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường trong dự thảo Nghị định là đúng quy định của pháp luật.
Về đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, đây là nội dung được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, không phải là khoản thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Về bản chất đây là quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong trường hợp không trực tiếp thực hiện tái chế, đây không phải là khoản đóng góp bắt buộc, do đó không thể được coi là một nguồn thu thuế, phí.
Trước lý giải của Bộ TN&MT, nhiều hiệp hội, DN cho rằng, một số quy định còn trùng lặp, điều kiện cấp phép còn bất hợp lý. Đáng chú ý, có nhiều quy định nếu triển khai sẽ buộc các DN phải đóng cửa. Điển hình như quy định cấm sử dụng bao bì nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy từ sau năm 2025 sẽ khiến nhiều DN khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Theo quy định này, từ 1/1/2026 toàn bộ sản phẩm từ nhựa khó phân hủy như chai nhựa, can nhựa, hộp nhựa đựng thực phẩm, hóa mỹ phẩm (ví dụ nước khoáng, nước ngọt, nước mắm, mắm tôm, dầu ăn, dầu gội đầu, sữa tắm, tẩy bồn cầu,…) đều không được lưu hành do các sản phẩm này không được phép bán, kinh doanh trên thị trường nữa.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Hiệu quả giám sát không thực cao.
Cơ quan quản lý cũng như người dân muốn bảo vệ môi trường nhưng DN cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến sự xung đột và chưa đồng nhất được quan điểm. Hiện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, gửi Tổng cục Môi trường. Theo đó, trên tổng hợp ý kiến của cộng đồng DN, một số điều của dự thảo cần được xem xét lại.
Chẳng hạn Điều 118.1 Dự thảo quy định đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục, trong đó có: Dự án đầu tư thuộc loại hình gây ô nhiễm môi trường tại Phụ lục 6 có lưu lượng xả nước từ 200m3/ngày; Dự án đầu tư khác có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 500 m3/ngày trở lên…
Có thể thấy, đối tượng thực hiện quan trắc nước thải đã mở rộng hơn đáng kể so với Nghị định 40/2019/NĐ-CP (áp dụng với các dự án đầu tư có lưu lượng xả thải từ 1.000 m3/ngày). Tuy nhiên, theo phản ánh của DN, việc lắp đặt quan trắc tự động khá đắt đỏ (bao gồm chi phí lắp đặt hàng tỷ đồng, chưa kể duy trì, lắp đường truyền, camera giám sát, thuốc thử) và độ chính xác không cao. Quy định này có thể đặt gánh nặng về chi phí và thời gian tuân thủ tương đối lớn lên các DN. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại phạm vi đối tượng phải thực hiện quan trắc tự động.
Dự thảo quy định cơ quan cấp giấy phép môi trường được đặt ra thêm yêu cầu về thông số cần quan trắc tự động, liên tục. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa thực sự minh bạch vì không rõ từ các tiêu chí được liệt kê tại Dự thảo. Đơn cử như làm thế nào để cơ quan cấp Giấy phép có thể xác định được thông số cần yêu cầu quan trắc bổ sung? Chẳng hạn, thông số đặc trưng cho ô nhiễm của ngành được quy định tại đâu? Nếu quy chuẩn kỹ thuật môi trường có 10 chỉ tiêu thì một, một số hay cả 10 chỉ tiêu đó đều là đặc trưng.
Quy định trên có thể tạo ra sự tùy tiện trong việc thực thi, trong khi hiệu quả giám sát không thực sự cao (vì theo phản ánh của DN thì kết quả quan trắc thường kém chính xác hơn nhiều so với quan trắc định kỳ). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này, thay vào đó cho phép DN thực hiện quan trắc theo phương thức định kỳ.
PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng: Băn khoăn tính khả thi
So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 thì luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có nhiều điểm tiến bộ hơn. Tại dự thảo Nghị định cũng đã trao quyền cho DN hơn, nâng cao ý thức doanh nghiệp bảo vệ môi trường hơn nhưng để doanh nghiệp thực hiện được còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tôi thấy rằng còn rất nhiều nội dung của dự thảo cần phải tiếp tục bàn kỹ, làm rõ hơn và cụ thể hóa hơn để tăng tính khả thi và để Luật có thể đi vào cuộc sống.
Thúy Hằng (ghi)