Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo

Lời Tòa soạn: Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng pháo và công bố, lấy ý kiến trong vòng 2 tháng (từ 9/3/2020 đến 9/5/2020). Đây là bản dự thảo có nhiều nội dung mới, do cần phải sửa đổi, bổ sung để thay thế những quy định hiện hành tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Theo dự kiến, bản dự thảo này sẽ trình Chính phủ xem xét cho ý kiến và thông qua vào Quý IV năm 2020. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần sẽ lần lượt giới thiệu nội dung Dự thảo Nghị định.

Đêm pháo hoa bên Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng pháo,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý, sử dụng pháo và pháo hiệu; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng pháo và pháo hiệu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thuốc pháo là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích nhiệt, cơ, hóa hoặc điện tạo ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, có thể gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.

2. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí và tạo ra đồng thời hoặc một trong các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo gồm pháo nổ và pháo hoa.

a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi hoạt động chỉ sinh ra tiếng nổ mạnh và chớp sáng.

b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện tạo ra hiệu ứng màu sắc sặc sỡ, ngoài ra còn có thể có thêm các hiệu ứng âm thanh như tiếng rít hoặc tiếng nổ, một phát bắn pháo hoa thường có 2 tiếng nổ trở lên: một tiếng nổ để bắn quả pháo, một tiếng nổ của quả pháo và những tiếng nổ của hiệu ứng của quả pháo (nếu có) được cung ứng cho các đối tượng được phép sử dụng theo quy định tại Điều 10 Nghị định này. Pháo hoa bao gồm:

Pháo hoa tầm cao là loại pháo hoa sử dụng ống phóng bằng vật liệu bền như thép đen hoặc thép không gỉ, compozit,… dùng để đẩy quả pháo lên theo một hướng xác định và các thiết bị chuyên dụng để điều khiển quá trình bắn; khi hoạt động có tiếng nổ lớn; chiều cao bắn lớn hơn 120m tùy theo cỡ của quả pháo ví dụ như các loại quả pháo hoa cỡ số 3, số 4,..., số 8.

Pháo hoa tầm thấp là một loại pháo hoa trong đó có các quả pháo được lắp vào các ống phóng đơn chiếc hoặc ghép nhiều ống phóng thành một khối tạo thành giàn pháo và đóng hộp hoàn chỉnh, có thể bắn độc lập từng giàn pháo hoặc nhiều giàn pháo, khi bắn các giàn pháo hoa có thể được kết nối với nhau hoặc sử dụng thiết bị điều khiển bắn tùy theo kịch bản thiết kế; chiều cao bắn từ 60m đến dưới 120m ví dụ như các loại giàn pháo hoa cỡ 50mm, 60mm, 70mm,...

3. Thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa là thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc điều khiển phát hỏa cho các quả pháo hoa hoặc các giàn pháo hoa,… theo một kịch bản nhất định.

4. Pháo hiệu là sản phẩm được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất xác nhận pháo hiệu đã được thử nghiệm, kiểm định phù hợp với các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra phản ứng cháy ở cường độ cao, có thể gây tiếng nổ hoặc tiếng rít.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hiệu

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Việc sử dụng pháo hoa, pháo hiệu phải đúng thẩm quyền, đối tượng và bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

3. Người quản lý, sử dụng pháo phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định; sử dụng pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định và bảo đảm môi trường.

4. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng pháo phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

5. Pháo hoa, pháo hiệu và các loại giấy phép về pháo bị mất phải được kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.

6. Pháo hoa, pháo hiệu phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.

7. Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức bắn pháo hoa do địa phương đảm nhiệm không sử dụng từ ngân sách nhà nước.

Điều 5. Quản lý, bảo quản pháo hoa, pháo hiệu

1. Pháo, thuốc pháo và pháo hiệu được bảo quản phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu nổ công nghiệp và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Kho chứa pháo, thuốc pháo và pháo hiệu phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu nổ công nghiệp và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. Quá trình bốc xếp, vận chuyển, bảo quản pháo, thuốc pháo và pháo hiệu phải nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh; tuyệt đối cấm lửa hoặc các vật dụng có thể gây ra lửa, tia lửa.

4. Tổ chức sử dụng kho chứa pháo, thuốc pháo và pháo hiệu phải thực hiện như sau: Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho chứa pháo, thuốc pháo; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy, chữa cháy; bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho chứa pháo; xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập pháo trong kho; xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.

Điều 6. Tiêu hủy pháo

1. Việc quản lý, tiêu hủy pháo, thuốc pháo các loại cần được thực hiện chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy trình, quy định được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tiêu hủy pháo, thuốc pháo và pháo hiệu thực hiện bằng phương pháp ngâm trong nước do phần lớn pháo được chế tạo từ các loại vật liệu không chịu nước. Sau một thời gian ngâm nước, vỏ quả pháo và các chi tiết làm từ vật liệu giấy, bìa sẽ bở ra; thuốc pháo ngấm và hòa tan trong nước sẽ không còn tính năng cháy, nổ. Riêng với các loại pháo làm từ vật liệu chịu nước thì cần phải tháo bổ sản phẩm và tách riêng phần thuốc ra để ngâm nước.

3. Việc hủy pháo, thuốc pháo phải được thực hiện bởi những người đã được qua huấn luyện chuyên trách về phương pháp hủy và biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường khi hủy, có kinh nghiệm. Mặt bằng hủy phải được tiến hành ở các bãi hủy biệt lập, cách xa nơi dân cư, các công trình công cộng và đã được thủ trưởng Bộ chỉ huy quân sự hoặc Công an cấp (tỉnh, thành phố, huyện) đơn vị có chứa pháo phê duyệt.

4. Phương pháp hủy ngâm nước

a) Tháo bỏ hộp, giấy bảo quản pháo đổ nước đầy vào trong các ống phóng, sau khoảng 1 giờ, cẩn thận nghiêng ống pháo hoặc giàn pháo để lấy các bán thành phẩm trong ống phóng ra ngoài.

b) Ngâm chìm các bán thành phẩm có chứa thuốc như quả pháo, mạch ngòi dẫn cháy, trụ thuốc, thuốc pháo, thuốc phóng,... vào trong thùng nước, sau thời gian lớn hơn 48 giờ, quả pháo và các chi tiết làm từ vật liệu giấy, bìa sẽ bở ra; sau đó bóc tách riêng thuốc pháo, thuốc nhồi cháy, viên màu,... tiếp tục ngâm chìm trong thùng nước, thời gian lớn hơn 24 giờ đến khi thuốc pháo, thuốc nhồi cháy, viên màu,... hòa tan hoàn toàn trong nước.

c) Tiến hành vớt các vật liệu bằng giấy, bìa, cặn không tan trong nước để riêng, đem phơi khô và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp tại vị trí đã được quy định.

5. Trình tự, thủ tục tiêu hủy pháo thực hiện như sau:

a) Sau khi có quyết định tiêu hủy pháo, cơ quan quân sự, cơ quan Công an cấp huyện, đơn vị Quân đội cấp Trung đoàn trở lên phải thành lập Hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy. Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm: đại diện cơ quan tiêu hủy là Chủ tịch Hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng. Phương án tiêu hủy phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường;

b) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả pháo tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

Điều 7. Giám định về pháo

1. Cơ quan có thẩm quyền giám định về pháo bao gồm:

a) Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

c) Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Trình tự, thủ tục giám định về pháo thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng pháo nổ.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt pháo, thiết bị, phụ kiện để sản xuất pháo trái phép.

3. Mang pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng pháo hoa, pháo hiệu được giao.

5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoặc thuốc pháo, thiết bị, phụ kiện để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

6. Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

7. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.

8. Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép.

9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo.

Điều 9. Trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hiệu

1. Pháo hoa dùng trong các trường hợp được phép sử dụng theo quy định tại Nghị định này.

2. Pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thi đấu theo chương trình, kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Công an cấp giấy phép.

3. Pháo hiệu dùng trong hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải, hoạt động quân sự.

Chương II

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÁO HOA VÀ PHÁO HIỆU

Điều 10. Điều kiện nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, pháo hiệu

1. Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa.

2. Bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:

a) Có nội quy ra, vào tổ chức, doanh nghiệp, phương án bảo đảm an ninh, trật tự; kiểm soát phương tiện, đồ vật, hàng hóa được vận chuyển ra, vào tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức lực lượng bảo vệ;

b) Có nội quy, trang bị đầy đủ phương tiện, tổ chức lực lượng, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, xây dựng phương án chữa cháy cơ sở; tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố cháy, nổ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

c) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thu gom, xử lý nguyên liệu, phế thải và xử lý ô nhiễm môi trường tại chỗ; không để rò rỉ, phát tán độc hại ra môi trường; bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

3. Địa điểm nghiên cứu, sản xuất phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, công trình văn hóa, xã hội, lịch sử, khu vực bảo vệ, nơi cấm, khu vực cấm.

4. Có phương tiện, thiết bị phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình nghiên cứu, sản xuất; có nơi thử nghiệm riêng biệt. Kho chứa thành phẩm phải bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

5. Chủng loại sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; sản phẩm phải có nhãn hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất.

6. Người quản lý tổ chức, doanh nghiệp phải được huấn luyện về quản lý, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hiệu, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình nghiên cứu, sản xuất pháo hoa; người lao động trực tiếp tham gia nghiên cứu, sản xuất phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình nghiên cứu, sản xuất.

Điều 11. Điều kiện kinh doanh pháo hoa, pháo hiệu

1. Điều kiện kinh doanh pháo hoa

a) Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ kinh doanh pháo hoa.

b) Bảo đảm các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

c) Kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển phục vụ hoạt động kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường theo quy định.

d) Người quản lý tổ chức, doanh nghiệp phải được huấn luyện về quản lý, bảo quản, sử dụng pháo, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình hoạt động kinh doanh.

2. Điều kiện kinh doanh pháo hiệu

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm các điều kiện theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này.

Điều 12. Tổ chức, doanh nghiệp được xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:

a) Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa;

b) Bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 10 Nghị định này trong quá trình xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa.

2. Thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa

a) Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa phải lập hồ sơ đề nghị bao gồm: Văn bản đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp, trong đó nêu cụ thể chủng loại, số lượng pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa, phương tiện vận chuyển; thời gian nhập khẩu, họ và tên, số, ngày cấp thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đại diện; bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bản sao văn bản được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao kế hoạch hoặc nhiệm vụ xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa.

Người được tổ chức, doanh nghiệp cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu và xuất trình một trong các giấy tờ sau: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Chứng minh Công an nhân dân hoặc giấy chứng minh do Quân đội nhân dân cấp còn giá trị sử dụng;

b) Hồ sơ quy định tại điểm a khoản này lập thành 1 bộ và nộp tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an; cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản này có trách nhiệm cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa có thời hạn 90 ngày.

Điều 13. Tổ chức, doanh nghiệp khác được tham gia nghiên cứu, sản xuất pháo hoa

1. Tổ chức, doanh nghiệp khác được tham gia nghiên cứu, sản xuất pháo hoa theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an và phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 10 Nghị định này.

2. Tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia nghiên cứu, sản xuất pháo hoa phải lập 1 bộ hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an (đối với trường hợp theo đơn đặt hàng của Bộ Công an) hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với trường hợp theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng) quyết định, hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị; bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy tờ, tài liệu chứng minh năng lực, điều kiện để tham gia nghiên cứu, sản xuất pháo hoa. Người được tổ chức, doanh nghiệp cử đến liên hệ nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu và xuất trình một trong các giấy tờ sau: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, có văn bản thông báo cho tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức kiểm tra, đánh giá việc bảo đảm các điều kiện để tham gia nghiên cứu, sản xuất pháo hoa.

4. Sau khi kết thúc kiểm tra, đánh giá, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này phải có văn bản đề xuất, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó nêu rõ lý do, điều kiện, năng lực, phạm vi tổ chức, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất pháo hoa.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép tổ chức, doanh nghiệp được tham gia nghiên cứu, sản xuất pháo hoa. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này có văn bản thông báo cho tổ chức, doanh nghiệp biết để tổ chức thực hiện. Trường hợp không đồng ý, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hiệu

1. Duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa pháo hoa.

2. Chỉ được mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hiệu theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hiệu phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chủng loại, nhãn hiệu, nước sản xuất, năm sản xuất đối với từng loại pháo hoa, pháo hiệu.

Điều 15. Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa

1. Tết Nguyên đán

a) Thời điểm bắn pháo hoa: Thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

b) Thời lượng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắn pháo hoa: Bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên Huế; bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút ở các tỉnh còn lại.

2. Giỗ Tổ Hùng Vương

a) Thời điểm bắn pháo hoa: 21 giờ ngày 9 tháng 3 âm lịch.

b) Thời lượng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắn pháo hoa: Bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, tại Đền Hùng.

3. Ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam

a) Ngày Quốc khánh

Thời điểm bắn pháo hoa: 21 giờ ngày 2 tháng 9.

Thời lượng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắn pháo hoa: Bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên Huế; bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút tại các tỉnh còn lại;

b) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thời điểm bắn pháo hoa: 21 giờ ngày 7 tháng 5.

Thời lượng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắn pháo hoa: Bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

c) Ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Thời điểm bắn pháo hoa: 21 giờ ngày 30 tháng 4.

Thời lượng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắn pháo hoa: Bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

4. Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thời điểm bắn pháo hoa: 21 giờ ngày giải phóng địa phương.

Thời lượng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắn pháo hoa: Bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và tỉnh Thừa Thiên Huế; bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút tại các tỉnh còn lại;

5. Ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

6. Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 16. Thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa

1. Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 10 của Nghị định này do các tổ chức, địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.

2. Trường hợp tổ chức bắn pháo hoa theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 10 của Nghị định này và các trường hợp thay đổi tầm bắn, thời lượng bắn pháo hoa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.

3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu tổ chức bắn pháo hoa theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 10 Nghị định này hoặc muốn thay đổi tầm bắn, thời lượng bắn pháo hoa, phải đề nghị bằng văn bản với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước 45 ngày. Nội dung văn bản phải nêu rõ số lượng, tầm bắn, số điểm, thời gian, thời lượng và địa điểm dự kiến bắn pháo hoa.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xem xét, quyết định.

Điều 17. Thủ tục trang bị pháo hoa

1. Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của Ban Tổ chức lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch nêu cụ thể thời gian, địa điểm, số lượng, chủng loại pháo hoa; hợp đồng; mua bán, vận chuyển (nếu có);

2. Giấy giới thiệu kèm theo bản sao một trong các giấy tờ sau: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép trang bị và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc trang bị; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

4. Giấy phép trang bị pháo hoa có thời hạn 30 ngày.

(Còn tiếp)

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/du-thao-nghi-dinh-ve-quan-ly-su-dung-phao/851062.antd