Dự thảo nhiều quy định mới về cấp đổi, nâng hạng giấy phép lái xe

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã phân hạng lại giấy phép lái xe nên việc cấp đổi, nâng hạng cũng sẽ có nhiều điều chỉnh.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 có nhiều nội dung mới. Trong đó, Chính phủ đề xuất phân hạng lại giấy phép lái xe (GPLX) khiến việc cấp đổi GPLX và việc học nâng hạng GPLX ô tô tới đây sẽ có nhiều thay đổi.

 Các hạng bằng lái xe ô tô sẽ được thay đổi. Ảnh: MINH HOÀNG

Các hạng bằng lái xe ô tô sẽ được thay đổi. Ảnh: MINH HOÀNG

Cách cấp đổi giấy phép lái xe như thế nào?

So với quy định hiện hành, dự luật đổi tên hầu hết hạng GPLX đồng thời đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B, chia thêm GPLX hạng C1, D1. Theo đó, nâng hạng GPLX từ 10 hạng lên 12 hạng.

Về thời hạn GPLX ô tô, dự luật quy định hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Sau khi phân hạng GPLX, dự luật quy định, người lái ô tô mà GPLX còn thời hạn vẫn sử dụng bình thường, trường hợp muốn đổi, cấp lại sẽ thực hiện như sau:

1. GPLX hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động.

2. GPLX hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

3. GPLX hạng C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên;

4. GPLX hạng D được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D2 và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.

5. GPLX hạng E được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.

6. GPLX hạng FB2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng C1E và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

7. GPLX hạng FC được đổi, cấp lại sang GPLX hạng CE và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.

8. GPLX hạng FD được đổi, cấp lại sang GPLX hạng D2E và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.

9. GPLX hạng FE được đổi, cấp lại sang GPLX hạng DE và chứng chỉ điều khiển xe máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên.

Thêm vào đó, dự luật quy định người học lái xe đã được đào tạo lái xe trước ngày dự luật có hiệu lực thi hành hoặc đang được đào tạo lái xe tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành chưa được sát hạch, cấp GPLX thì được sát hạch, cấp GPLX theo hạng quy định của dự luật.

Quy định nâng hạng giấy phép lái xe

Dự luật cũng quy định việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện cho những trường hợp sau đây:

1. Nâng hạng GPLX từ hạng B lên hạng C1 hoặc lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2.

2. Nâng hạng GPLX từ hạng C1 lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2.

3. Nâng hạng GPLX từ hạng C lên hạng D1 hoặc lên hạng D2 hoặc lên hạng D.

4. Nâng hạng GPLX từ hạng D1 lên hạng D2 hoặc lên hạng D.

5. Nâng hạng GPLX từ hạng D2 lên hạng D.

6. Nâng hạng GPLX từ các hạng B, C1, C, D1, D2, D lên các hạng GPLX tương ứng BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.

Đáng chú ý, dự luật quy định người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX phải có GPLX đang còn hiệu lực, có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng GPLX, không gây tai nạn giao thông đường bộ, không bị tước GPLX và không bị trừ hết điểm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nâng hạng; người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX lên hạng D1, D2, D tối thiểu phải có trình độ từ trung học cơ sở.

Ngoài ra, dự luật cũng quy định GPLX hạng C, D1, D2, D và các hạng BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng theo các điều kiện quy định.

Theo dự luật, Chính phủ đề xuất phân hạng GPLX như sau:

Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C1 có kéo theo rơ mooc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B.

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1.

Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 8 chỗ đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D1 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C.

Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D2 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C, D1.

Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C, D1, D2.

Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-thao-nhieu-quy-dinh-moi-ve-cap-doi-nang-hang-giay-phep-lai-xe-post793044.html