Dự thảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia tạo động lực mới
Dự thảo quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý rộng rãi...
Dự thảo quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia được đánh giá là tạo được động lực, khuyến khích học sinh tham gia “sân chơi” này. Một số nội dung được quan tâm liên quan đến số lượng thành viên đội tuyển, tỷ lệ giải, thời gian tổ chức thi…
Một số điểm nhấn
Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, dự thảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có nhiều thay đổi so với những văn bản trước đây. Cụ thể, dự thảo Quy chế đã kết hợp quy định về Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT và Kỳ thi chọn vào đội tuyển dự thi Olympic quốc tế - nội dung này vốn có nhiều văn bản và không còn phù hợp với hiện tại. Cùng đó, đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương về chọn đội tuyển dự thi.
Chia sẻ một số điểm nhấn trong dự thảo, ông Trần Tuấn Khanh nhắc đến đầu tiên quy định về số lượng mỗi đội tuyển. Cụ thể, đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi được đăng ký dự thi với số lượng tối đa 10 thí sinh (riêng Hà Nội và Thành phố HCM số lượng tối đa mỗi đội tuyển là 20). Điều này bớt áp lực cho các Sở GD&ĐT về số lượng dự thi từng năm của mỗi đội tuyển, tạo động lực cho thí sinh được chọn vào đội tuyển tham gia dự thi của các trường phổ thông.
Bên cạnh đó, Điều 19, Khoản 7 dự thảo có nêu: “Đề thi chính thức và đáp án kèm theo đề thi của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT sau khi công bố kết quả thi”. Điều này, theo ông Trần Tuấn Khanh đã đáp ứng nguyện vọng của cả thầy và trò, giúp giáo viên, học sinh tham khảo đáp án, rút kinh nghiệm trong tổ chức dạy học, bồi dưỡng tại các trường, nâng cao trình độ chuyên tay nghề bồi dưỡng cho giáo viên.
Tại Điều 35, Khoản 1 về việc cấp giấy chứng nhận quy định: “Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cấp Giấy chứng nhận học sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Giấy chứng nhận học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia”.
Đồng tình với nội dung này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, thí sinh vượt qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thi chọn vào đội tuyển, tham gia bồi dưỡng trước khi dự thi vòng quốc gia… rất vất vả. Do đó, việc cấp giấy chứng nhận là phù hợp, công bằng với công sức của thí sinh miệt mài học tập, ôn luyện. Dù đạt giải hay không, giấy chứng nhận là cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng xem xét khi tuyển sinh đầu vào cho thí sinh có tham gia dự thi.
Về tỷ lệ giải, Điều 33, Khoản 3 dự thảo Quy chế ghi rõ: Tổng số giải từ khuyến khích trở lên không vượt quá 60% số thí sinh dự thi. Trong đó tổng số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Ông Trần Tuấn Khanh đánh giá, tỷ lệ xét giải này đáp ứng nhu cầu của thí sinh tham gia dự thi, đặc biệt là các đơn vị dự thi từng có số giải khiêm tốn.
Tăng tỷ lệ giải
Không chỉ ông Trần Tuấn Khanh, nhiều ý kiến khi nghiên cứu dự thảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia đều cho rằng tăng tỷ lệ giải như trong dự thảo là phù hợp; thậm chí có ý kiến mong muốn tỷ lệ này còn tăng cao hơn nữa.
Lý giải nhận định tăng tỷ lệ giải từ 50% lên 60% so với quy định hiện hành là cần thiết, cô Ngô Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) cho rằng, phổ điểm chênh lệch giữa học sinh đạt và không đạt giải mong manh. Quy định này đồng thời tạo động lực, khuyến khích các em tham gia sân chơi học sinh giỏi cấp quốc gia.
“Tham gia thi chọn đội tuyển và thi học sinh giỏi cấp quốc gia có tính cạnh tranh rất cao. Hiện nay, nhiều học sinh xuất sắc thay vì chọn vào đội tuyển quốc gia đã dành thời gian ôn tốt nghiệp/thi đánh giá năng lực để làm hành trang xét tuyển vào đại học. Tôi đề xuất quy định tỷ lệ giải nhất không quá 5% tổng số giải (như theo dự thảo); giải nhì là không quá 15%, giải ba không quá 20%, giải khuyến khích không quá 20%.
Về số lượng thành viên mỗi đội tuyển, tôi đồng tình với dự thảo. Quy định đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi được đăng ký dự thi với số lượng tối đa 10 thí sinh (riêng Hà Nội và TPHCM số lượng tối đa mỗi đội tuyển là 20) là hợp lý, tạo động lực dạy cho thầy cô và phấn đấu vào đội tuyển học tập cho học sinh; đồng thời tạo cơ hội cho học sinh có thành tích tốt nhưng chưa may mắn trong kỳ tuyển chọn đội tuyển”, cô Ngô Thanh Trúc cho hay.
Từ kinh nghiệm trường giàu truyền thống và thành tích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thầy Trần Văn Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cũng bày tỏ đồng tình với quy định về số lượng thành viên mỗi đội tuyển. Riêng số giải, dù nhận định nâng tỷ lệ giải lên 60% là hợp lý, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng thầy Trần Văn Nga mong muốn tăng tỷ lệ giải nhất, nhì, ba so với tổng số giải lên khoảng 70 đến 80%.
Nhận định về dự thảo Quy chế, thầy Hồ Đắc Phương, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Dự thảo bỏ quy tắc giảm số lượng thành viên của đội tuyển có kết quả năm trước yếu là chủ trương đúng, tránh làm yếu đi các đội tuyển yếu. Các đơn vị mạnh có địa bàn tuyển sinh cả nước, như trường chuyên thuộc 2 Đại học Quốc gia, cũng nên gia tăng số lượng học sinh thi quốc gia.
Về số lượng giải, nên để tỷ lệ 60% học sinh dự thi có giải; trong đó 10% giải nhất, 20% giải nhì, 30% giải ba. Riêng với môn Tin học, nên cải tiến việc thi vòng 1. Lý do, việc thu bài qua đĩa CD, in giấy giờ không nơi nào trên thế giới làm. Đĩa trắng CD, đầu đọc ghi CD rất khó mua. Bên cạnh đó, môn Tin học vì có đội tuyển đi thi Châu Á, nên số lượng học sinh tham gia thi vòng 2 nên gia tăng hơn (cụ thể là 48 học sinh, không nên để 32 như hiện tại).
Quan tâm đến thời gian tổ chức thi, theo thầy Trần Văn Nga, Bộ GD&ĐT nên có lịch thi ổn định (trừ trường hợp dịch bệnh hoặc bất khả kháng khác); nếu được nên vào đầu tháng 1 dương lịch để có thể chấm, công bố kết quả thi trước Tết Nguyên đán. Điều này tạo điều kiện cho học sinh sớm có kết quả để nộp hồ sơ tuyển thẳng vào đại học; hoặc có thời gian tập trung học, ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...