Dự thảo quy chế trường chuyên: Bước lùi trong đào tạo mũi nhọn

Nếu dự thảo được thông qua, nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng là bước thụt lùi trong quy định về hệ đào tạo mũi nhọn

Dự thảo Thông tư ban hành quy chế và hoạt động của trường THPT chuyên theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang gây nhiều tranh luận, bởi những quy định mới trong dự thảo không xuất phát từ thực tiễn hoạt động của cơ sở, gây khó khăn cho các trường mang sứ mệnh đào tạo trọng điểm.

Không xuất phát từ thực tiễn

So với Thông tư 06 năm 2012 đã được Bộ GD-ĐT ban hành có 32 điều, dự thảo thông tư mới còn 22 điều. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm mới trong dự thảo thông tư khiến các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là ở các trường chuyên, băn khoăn. Một trong số những thay đổi đáng chú ý trong dự thảo thông tư mới là quy định bỏ lớp thường trong trường chuyên, bỏ quy định học sinh (HS) chuyển khỏi lớp chuyên; giới hạn quy định chuyển trường của HS trường chuyên; bãi bỏ bộ phận nghiên cứu khoa học trong trường chuyên; bỏ yêu cầu trình độ của quản lý trường chuyên…

Học sinh thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM). Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM). Ảnh: TẤN THẠNH

Phân tích của hiệu trưởng một trường THPT chuyên tại TP HCM cho biết điều 26 của quy định cũ, sau mỗi học kỳ từng năm, trường chuyên sẽ tổ chức sàng lọc HS chuyên lớp 10, lớp 11 và chuyển sang trường THPT không chuyên hoặc lớp không chuyên tại trường đối với những HS thuộc các trường hợp như lưu ban, hạnh kiểm, học lực xếp loại từ trung bình trở xuống. Tuy nhiên, tại dự thảo năm 2022, Bộ GD-ĐT không đưa nội dung này vào. "Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, HS trường chuyên nếu rơi vào các trường hợp nêu trên sẽ không bị chuyển ra khỏi lớp chuyên. Dù thực tế hằng năm, số HS rơi vào các trường hợp trên rất hiếm nhưng nếu là quy định, HS không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở lại lớp thì rõ ràng là không ổn" - hiệu trưởng này cho biết.

Điểm đặc biệt trong dự thảo thông tư mới là việc bỏ lớp không chuyên trong các trường chuyên. Tại TP HCM, 2 trường THPT chuyên hiện nay là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đều đào tạo song song 2 hệ là hệ thường và hệ chuyên, dù chỉ tiêu tuyển sinh lớp thường hằng năm luôn ít hơn các lớp chuyên. Trong khi đó, một số trường THPT thường tại thành phố cũng tuyển sinh lớp chuyên. Dự thảo quy định mới rõ ràng trong việc bỏ đào tạo hệ thường trong trường chuyên nhưng lại không nói gì đến quy định những lớp chuyên ở trường thường.

Chưa vì quyền lợi người học

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho biết: "Khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo, nhiều ý kiến chỉ chú ý chuyện bỏ lớp thường trong trường chuyên. Điều này thật ra là điều dễ… bỏ nhất. Nhưng có vẻ dự thảo không tính đến tính chất đặc thù trong đào tạo của trường chuyên nên bỏ đi những quy định rất bất hợp lý. Có thể nói là bước lùi trong hệ đào tạo mũi nhọn".

Hiệu trưởng này chia sẻ thêm dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT mới chỉ chú trọng đến nguyên tắc quản lý mà chưa thật sự vì HS, chưa tạo điều kiện cho giáo viên vốn là những người mang sứ mệnh đào tạo đội ngũ HS chất lượng cao. "Với quy định chuyển HS chuyên sang trường chuyên khác, cả quy định mới và cũ đều đặt ra cùng một kỳ khảo sát, như vậy có nghĩa là HS trường chuyên ở tỉnh, thành nào chỉ được chuyển trường trên địa bàn tỉnh, thành đó. "Quy định như vậy khiến quyền lợi của HS trường chuyên chưa được bảo đảm, bị ràng buộc. Trong khi HS ở các trường thường thì lại được chuyển nhiều nơi, từ cùng địa bàn cho đến chuyển giữa các tỉnh, thành khác nhau" - hiệu trưởng này cho biết.

Một điểm lùi trong dự thảo quy định mới khiến các trường chuyên như "ngồi trên đống lửa" là bãi bỏ quy định thành lập bộ phận nghiên cứu khoa học, bộ phận thực hiện quan hệ quốc tế trong khi quy định của thông tư trước đây có đề cập. Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường chuyên tại TP HCM cho hay 2 nhiệm vụ quan trọng của trường chuyên là hoạt động nghiên cứu khoa học và tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế nhưng trong dự thảo thông tư lại không nhắc đến việc giao cơ chế để trường thực hiện 2 nhiệm vụ này. Trường chuyên được giao sứ mệnh, mục tiêu trong đào tạo nhưng không có cơ chế để thực hiện, không có đội ngũ và kinh phí.

Bỏ hay giữ lớp thường trong trường chuyên?

Ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết nên bỏ lớp thường trong trường chuyên. Theo ông Nghi, trường chuyên chỉ nên dành cho việc học các môn chuyên. Thông tư 06 năm 2012 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên có nêu "các lớp không chuyên không quá 20% tổng số HS của trường". Có nghĩa là số lớp không chuyên luôn chiếm số lượng nhỏ so với lớp chuyên trong trường chuyên. Song song đó, điểm tuyển sinh của mỗi hệ cũng khác nhau, lớp chuyên có điểm chuẩn khác với điểm chuẩn của lớp thường trong trường chuyên. Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến ngược lại, nhiều nhà quản lý cho rằng nên để các cơ sở giáo dục tự chủ trong tuyển sinh, đào tạo lớp thường trong trường chuyên cũng là cách để các trường có thêm nguồn kinh phí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hơn nữa, một kỳ thi không thể đánh giá hết năng lực HS, có những HS lớp thường nhưng năng lực vượt trội thật sự, nếu được hưởng chất lượng giáo dục trong trường chuyên cũng là cách để phát hiện và bồi dưỡng thế hệ HS ưu tú.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/du-thao-quy-che-truong-chuyen-buoc-lui-trong-dao-tao-mui-nhon-20221126200908111.htm