Dự thảo quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh: Cần lộ trình triển khai thận trọng, đồng bộ

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đang thu hút sự quan tâm và nhiều ý kiến tranh luận từ dư luận.

Học sinh Hải Dương năm học 2024 - 2025 (ảnh minh họa)

Học sinh Hải Dương năm học 2024 - 2025 (ảnh minh họa)

Dự thảo thông tư quy định 2 biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh.

Đối với học sinh không thuộc cấp tiểu học, dự thảo quy định ba hình thức kỷ luật gồm: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. So với các quy định trước đây, các hình thức tạm dừng học và đình chỉ học sẽ được bãi bỏ.

Có thể nói, dự thảo thông tư này có nhiều điểm mới so với các thông tư, quy định đã có trước đó theo hướng bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội đồng trường, hiệu trưởng, giáo viên; bảo đảm sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh…

Theo tìm hiểu, ngày càng nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, New Zealand cũng từ bỏ hình thức đình chỉ học tập và đuổi học khi xử lý những vụ bạo lực học đường. Họ áp dụng các phương pháp tích cực, ưu tiên tham vấn, phát triển cá nhân và xây dựng môi trường học tập thân thiện.

Nhưng dự thảo thông tư quy định bỏ hình thức kỷ luật bằng biện pháp mạnh, thay vào đó là các biện pháp giáo dục tích cực như trên đặt ra không ít lo ngại về tính hiệu quả của việc giáo dục đạo đức học sinh trong môi trường học đường. Việc chỉ viết bản kiểm điểm và bãi bỏ việc tạm dừng học, đình chỉ học đối với học sinh, nhất là những học sinh cá biệt, mắc lỗi vi phạm lớn liệu có đủ sức răn đe và khiến học sinh “nhờn luật”.

Thực tế một số học sinh có hành vi vi phạm nghiêm trọng như bạo lực học đường, xúc phạm giáo viên, thậm chí vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Điển hình như vụ việc diễn ra vào cuối năm 2023, khi một nhóm học sinh ở Tuyên Quang dồn cô giáo vào góc lớp, thách thức kèm theo lời chửi bới, ném dép vào người. Nếu có sự việc tương tự diễn ra và chỉ dùng biện pháp viết bản kiểm điểm là cao nhất mà không có biện pháp đủ mạnh liệu có thể ngăn chặn và sửa chữa.

Một tập thể với hàng trăm, hàng nghìn học sinh nên giáo viên cần công cụ để giữ kỷ cương trường lớp. Họ đồng tình với biện pháp giáo dục tích cực, nhưng cũng cần ranh giới rõ ràng. Không thể để một học sinh có hành vi sai phạm lặp lại nhiều lần mà nhà trường không thể có biện pháp mạnh.

Chính vì vậy, việc chuyển đổi từ biện pháp kỷ luật mạnh sang biện pháp giáo dục tích cực không thể diễn ra chỉ bằng một văn bản quy định mà cần một lộ trình triển khai thận trọng và đồng bộ. Nhiều phụ huynh và giáo viên đều cho rằng lộ trình này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về nhiều mặt như từ đào tạo giáo viên, tăng cường đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường, cho đến thay đổi nhận thức của toàn xã hội về khái niệm kỷ luật và quyền lợi của học sinh.

Thiết nghĩ, vẫn nên xem xét áp dụng đình chỉ học sinh trong khoảng thời gian ngắn đối với những hành vi vi phạm cụ thể hoặc có sai phạm lớn. Nhưng đình chỉ học không có nghĩa là học sinh ở nhà hoặc đẩy ra đường mà vẫn phải đến trường. Nhà trường có thể thống nhất cùng phụ huynh áp dụng hình phạt phù hợp. Thời gian này để học sinh nhìn nhận thật kỹ về sai phạm của mình và đưa ra biện pháp khắc phục.

Còn nếu chỉ viết bản kiểm điểm, thì học sinh vi phạm phải được tư vấn tâm lý, giao nhiệm vụ tích cực hoặc tham gia các hoạt động rèn luyện hành vi. Học sinh vi phạm viết bản kiểm điểm phân tích hành vi; phải đối thoại với người bị hại trước hội đồng giáo viên và cả phụ huynh. Nếu học sinh xúc phạm giáo viên phải trực tiếp gặp để lắng nghe cảm nhận từ chính người mình đã làm tổn thương. Biện pháp này sẽ đánh trúng vào nhận thức và trách nhiệm, điều mà đình chỉ đôi khi không làm được.

Để thực hiện hiệu quả, ngành giáo dục cần một hệ thống hỗ trợ đồng bộ, từ việc tăng cường chuyên viên tâm lý học đường, đào tạo giáo viên kỹ năng quản lý hành vi đến việc phát huy thực chất vai trò của công tác tư vấn học đường, tránh hình thức. Bên cạnh đó, sự đồng hành và nhận thức đúng đắn của phụ huynh là yếu tố then chốt trong việc hình thành nhân cách, lối sống cho học sinh ngay từ gia đình.

HOÀNG HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/du-thao-quy-dinh-khen-thuong-ky-luat-hoc-sinh-can-lo-trinh-trien-khai-than-trong-dong-bo-411627.html