Dự thảo quy định về hạ tầng thương mại không phát sinh thủ tục hành chính

Hiện Bộ Công Thương đang trong giai đoạn lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại.

Trụ sở của Bộ Công Thương tại Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trụ sở của Bộ Công Thương tại Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bộ Công Thương khẳng định, các quy định trong dự thảo Thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác; nội dung quy định tại Thông tư không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương nhận được ý kiến của cử tri, các Sở Công Thương đề nghị ban hành văn bản thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.

Trên cơ sở tổng hợp rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM, ý kiến của các Sở Công Thương, Bộ Công Thương đã xây dựng báo cáo đánh giá và hướng xử lý đối với Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM, đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 (Quyết định số 3806/QĐ-BCT ngày 31/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022).

Theo Bộ Công Thương, mục đích, quan điểm của Bộ đặt ra khi xây dựng dự thảo Thông tư là nhằm góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Điều này góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; phục vụ quản lý nhà nước ngành công thương.

Ngoài ra, dự thảo được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. Vì vậy, cần đảm bảo việc cập nhật quy định mới cũng như giải quyết các bất cập của Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho địa phương trong quản lý, phát triển loại hình hạ tầng thương mại. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành quy định của pháp luật với việc phát triển, quản lý các loại hình hạ tầng thương mại.

Bộ Công Thương nêu rõ, nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các quy định hiện vẫn còn phù hợp tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành; bổ sung tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet (trên cơ sở báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và ý kiến của các Sở Công Thương).

Liên quan đến một số vấn đề dư luận quan tâm, Bộ Công Thương cho hay, quy định về biển hiệu của các loại hình hạ tầng thương mại (Khoản 3, Điều 7, Dự thảo Thông tư) được dự thảo trên cơ sở quy định của Điều 40, Luật Doanh nghiệp và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp).

Cụ thể, Điều 40, Luật Doanh nghiệp quy định về "Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh". Theo đó, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Đặc biệt, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ "chi nhánh" đối với chi nhánh, cụm từ "văn phòng đại diện" đối với văn phòng đại diện, cụm từ "địa điểm kinh doanh" đối với địa điểm kinh doanh.

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành".

Đáng lưu ý, tại Điều 20, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp quy định về "Đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh". Cụ thể: tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp.

Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Hơn nữa, phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ "công ty", "doanh nghiệp".

Cũng theo Bộ Công Thương, đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.

Đối với tiêu chí cửa hàng tiện lợi (Điều 5), tiêu chí trung tâm outlet (Điều 6) được xây dựng trên cơ sở tham khảo tài liệu của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Quy định "Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m" tại dự thảo Thông tư (Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như "cách hiểu" của một số chuyên gia.

Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời để làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của địa phương.

Mặt khác, thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng Thông tư theo quy định tại Điều 5, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân.

Chẳng hạn như Văn phòng Chính phủ, một số bộ/ngành, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; một số hiệp hội có liên quan; trong đó, có Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, đồng thời đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương để các tổ chức/cá nhân đóng góp ý kiến.

Hiện Bộ Công Thương đã nhận được 69 ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư; trong đó, có 5 bộ - ngành, 5 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 11 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 48 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.

Bộ Công Thương đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo và tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp phân phối, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp góp ý kiến trên Cổng thông tư điện tử của Chính phủ và Cổng Thông tư điện tử của Bộ Công Thương hoặc gửi ý kiến thông qua các Hiệp hội, tổ chức mà tổ chức, cá nhân là thành viên./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-thao-quy-dinh-ve-ha-tang-thuong-mai-khong-phat-sinh-thu-tuc-hanh-chinh/250915.html