Dự toán thu ngân sách năm 2021 khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, chuẩn bị trình Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, dự toán thu ngân sách năm 2021 là khoảng hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Số thu này tăng tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, nhưng giảm 11,1% so với dự toán năm 2020.

Thời gian tới tiếp tục cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu từ nội địa. Ảnh: TL.

Thời gian tới tiếp tục cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu từ nội địa. Ảnh: TL.

Thu nội địa năm 2021 dự kiến chiếm 84,4% tổng thu

Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.

Dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5%GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13%GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa: 1.133,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,4% tổng thu cân đối NSNN, đáp ứng yêu cầu tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong cơ cấu thu ngân sách (dự toán năm 2020 là 83,6%; ước thực hiện là 84,3%). Dự toán thu dầu thô: 23,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng thu cân đối NSNN; trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng. Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: 178,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,3% tổng thu cân đối NSNN. Dự toán thu viện trợ: 8,13 nghìn tỷ đồng.

Dự toán chi NSNN năm 2021 được xây dựng trên cơ sở tiếp tục áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN giai đoạn 2017 - 2020; đồng thời, tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (-3,4%) so dự toán năm 2020. Dự kiến bố trí dự toán chi NSNN cho một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Chi đầu tư phát triển 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN (dự toán năm 2020 là 26,9%), tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2020.

Chi trả nợ lãi 110,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng chi NSNN, giảm 8,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Chi thường xuyên: 1.036,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN, giảm khoảng 20 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so với dự toán năm 2020. Đồng thời, chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.

Trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343,67 nghìn tỷ đồng).

Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1%GDP điều chỉnh, dư nợ chính phủ khoảng 41,9%GDP điều chỉnh.

Để thực hiện dự toán NSNN năm 2021, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nền kinh tế số. Đồng thời, Chính phủ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa từ khâu hoạch định chính sách đến điều hành nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, gắn với định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc gia...

Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, thu nội địa khoảng 85 - 86%

Về thực hiện kế hoạch tài chính – NSNN giai đoạn 3 năm 2021 - 2023, dự báo trong giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Mục tiêu kế hoạch đặt ra là: phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực và cải thiện dư địa chính sách tài khóa; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách.

Dự kiến khung cân đối thu, chi NSNN 3 năm 2021 - 2023 như sau: Về thu NSNN, phấn đấu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 15,5%GDP điều chỉnh (từ thuế, phí 13%GDP); tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa, dự kiến đến năm 2023 khoảng 85 - 86%.

Về chi NSNN khoảng 5,4 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021 - 2023.

Tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2021 - 2023 dự kiến khoảng 3,8% GDP điều chỉnh. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1%GDP điều chỉnh, nợ chính phủ khoảng 44,1%GDP điều chỉnh.

Để thực hiện mục tiêu kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, quy mô GDP, năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục kiên định với các mục tiêu cơ cấu lại NSNN, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa; đẩy mạnh việc quản lý tài chính - ngân sách trung hạn; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch nợ công, kế hoạch tài chính trung hạn.

Thực hiện kế hoạch tài chính trung hạn 3 năm 2021 - 2023, Chính phủ tiếp tục tăng cường quản lý nợ công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là chế tài trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công; quản lý chặt chẽ NSNN từ khâu dự toán đến điều hành, quyết toán./.

Công khai lấy ý kiến dự toán NSNN

Thực hiện quy định của Luật NSNN, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Bộ Tài chính biên soạn và phát hành “Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội”.

Bản báo cáo gồm 4 phần: đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020; dự kiến dự toán NSNN năm 2021; Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021 - 2023; phụ lục số liệu liên quan.

Hiện “Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội” đang được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, nhằm lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đưa công tác xây dựng dự toán NSNN ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-10-26/du-toan-thu-ngan-sach-nam-2021-khoang-hon-13-trieu-ty-dong-94084.aspx