'Đu trend', 'bắt trend': Đừng biến mình thành con rối!

Khi mạng xã hội len lỏi tới mọi căn nhà, góc phố, xâm lấn, chiếm hữu dung lượng lớn cả thời gian lẫn tâm trí của từng thành viên đủ mọi lứa tuổi trong gia đình, thì việc 'đu trend', 'bắt trend' hay nói nôm na là 'đi theo trào lưu mạng' chả có gì lạ lẫm. Tuy nhiên, từ những sự vụ 'bắt trend' ồn ã thời gian qua, thấy rõ, 'đu trend' cũng phải biết cách, đừng biến mình thành con rối của mạng xã hội với những chiêu trò phản cảm rồi thành 'miếng mồi' đàm tiếu của cộng đồng mạng.

Ồn ã với những phản ứng gay gắt trên báo chí cũng như mạng xã hội những ngày qua là sự vụ ngày 17/5/2024, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh một nhóm phụ nữ mặc quần áo tập yoga, nằm ngửa trên những chiếc thảm giữa đường để chụp ảnh với hoa bằng lăng, bất chấp các phương tiện qua lại. Được biết, khu vực nhóm phụ nữ trải thảm nằm là đoạn giữa đường nhánh Quốc lộ 37 (thuộc thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Dư luận phẫn nộ cho rằng đây là hành vi bất chấp pháp luật an toàn giao thông, coi thường tính mạng chính mình và người tham gia giao thông khác.

 Trải chiếu nằm trên quốc lộ.

Trải chiếu nằm trên quốc lộ.

Chỉ ít ngày sau, khi những bất bình về “trend bằng lăng” chưa lắng xuống thì trên mạng xã hội lại xuất hiện hình ảnh nhóm 5 phụ nữ cùng nhau đứng trước đầu ô tô con và nhảy nhót. Sự việc được cho diễn ra ở một tuyến đường trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt. Các phương tiện tham gia giao thông thời điểm đó đã buộc phải di chuyển chậm để tránh chiếc xe đang dừng đỗ và nhóm người trên.

Cách đây cũng chưa lâu, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok rộ lên trào lưu “Chú bé loắt choắt” cùng với một đoạn nhạc chế về bài thơ “Lượm”. Lượm là một trong những bài thơ Việt Nam gây xúc động mạnh, khắc họa hình ảnh “Chú bé loắt choắt” đã anh dũng hy sinh trong những lần chuyển thư “thượng khẩn”. Tuy nhiên, khi bị đưa lên nền tảng TikTok bài thơ này đã bị chế lại bằng những từ ngữ vô nghĩa và có phần sáo rỗng, khiến nhiều cư dân mạng phẫn nộ. Chưa dừng lại ở đó, một bộ phận TikToker còn sử dụng đoạn nhạc chế để tạo ra các video với những hình ảnh hở hang và động tác khoe da thịt phản cảm.

Hay đầu tháng 5 vừa qua, McDonald’s bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội khi dùng cái chết thương tâm của chàng game thủ si tình Mèo Béo để “đu trend” chạy quảng cáo bán hàng. Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện thương tâm về một chàng game thủ có nickname Mèo Béo, 21 tuổi, tự tử vì tình. Trước khi đi đến quyết định cực đoan, trong một cuộc hội thoại được lan truyền, chàng game thủ này từng chia sẻ: “Tôi không muốn ăn rau nữa, tôi muốn ăn McDonald’s cơ”.

Điều đáng quan ngại là chỉ cần bạn lên trang tìm kiếm Google, đánh cụm từ “nằm trên đường chụp ảnh” hay “trend phản cảm”, con số kết quả tìm kiếm là không hề nhỏ, nhìn mốc thời gian các sự việc, thấy rõ là xu hướng “đu trend”, “bắt trend” đã thịnh hành từ lâu.

Vào năm 2022, hình ảnh một nhóm phụ nữ mặc đồ bó sát tập yoga giữa đường để chụp ảnh cũng đã gây tranh cãi. Đa phần cho rằng diện trang phục như vậy rồi ngồi dưới lòng đường là không nên, dù xung quanh khu vực hồ Gươm trở thành phố đi bộ dịp cuối tuần.

 Nhóm yoga nằm, ngồi giữa đường chụp ảnh với bằng lăng tím ở Thái Bình.

Nhóm yoga nằm, ngồi giữa đường chụp ảnh với bằng lăng tím ở Thái Bình.

Trước đó vào 2021, trên mạng xã hội có lan truyền hình ảnh về một nhóm phụ nữ mặc trang phục tập yoga chụp hình tại “cổng trời” ở chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại đồi 45, thôn 4, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Họ diện thiết kế gồm quần legging kết hợp với áo croptop ôm sát. Sự việc này cũng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ dư luận bởi cách ăn mặc không phù hợp ở chốn linh thiêng.

Trên TikTok cũng từng xuất hiện trào lưu “nhảy múa trên đường băng” với những TikToker đăng tải video mình uốn éo trên đường băng khi máy bay đang di chuyển. Hay trào lưu đăng tải các đoạn video clip “nhảy vạch áo khoe vòng 1”. Các cô gái trong clip khiêu khích người xem tập trung vào vòng 1 của mình, rồi vạch áo trước camera mà không mặc nội y.

Điều đáng nói là hầu hết các trend phản cảm bị dư luận xã hội và báo chí phê phán dữ dội đều là những clip triệu view, thu hút lượng xem, commnet rất “khủng”. Có một thực tế là dường như các clip, các trend càng phản cảm, càng khác người, càng thu hút. “Chỉ vì mấy lượt bấm thích, vài người xem mà họ sẵn sàng làm những thứ rất phản cảm, vô tri, còn chưa kể rủi ro gây hại hoặc làm cản trở người khác”- một người trẻ từng lên tiếng.

Thêm vào đó, những clip được lan truyền liên tục trên mạng xã hội cho thấy ngày càng nhiều TikToker trở nên giàu có, thậm chí rất giàu nhờ cái gọi là “sáng tạo nội dung”. Viễn cảnh cuộc sống lên đời xa hoa của các “nhà sáng tạo nội dung” càng như liều doping khiến cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ, lao vào cuộc đua “sáng tạo nội dung” một cách bất chấp, bất chấp mọi tuân chuẩn đạo đức, thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục. Đáng quan ngại hơn nữa giờ đây không chỉ có giới trẻ mà đã xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng diễn xuất hiện ở video bắt trend là người đã có tuổi. Như thế để thấy, mạng xã hội đã thấm sâu, tác động tới mọi đối tượng xã hội, mọi ngành nghề, lớn tới mức khó có thể đo đếm được.

Mạng xã hội là ảo nhưng những hệ lụy, tác hại của nó lại là thật, rất thật, thậm chí vô cùng đau đớn và như đã nói, khó có thể đo đếm. Chưa kể việc những hành động phản cảm, vô ý thức lại trở thành trào lưu lan truyền nhanh chóng với sự hưởng ứng một cách mù quáng, thiếu suy nghĩ của một bộ phận người dùng mạng internet cho thấy tư duy của một bộ phận người dùng mạng hôm nay thực sự lệch lạc, thực sự đáng báo động.

Những nếp nghĩ tốt đẹp của con người, những điều thiêng liêng của văn hóa dân tộc, cụ thể hơn là tư duy, cách nhìn về cái tốt, cái đẹp của mỗi con người hôm nay rất dễ bị chệch hướng bởi những trò đu trend phản cảm như thế. Vì thế, điều cần thiết nhất lúc này là cần có kịp thời hành lang pháp lý để “rào chặt” những xu hướng phản cảm ấy, đồng thời các cơ quan có chức năng, đặc biệt là các thiết chế giáo dục văn hóa cần hiệu quả hơn trong việc định hướng trong tư duy, cách ứng xử và sử dụng mạng xã hội cho người dùng.

“Đây là cách tôi dung hòa bản tính tò mò, không muốn bỏ lỡ của bản thân và đảm bảo sự an toàn. Tôi sẽ luôn bắt trend để không “tối cổ” nhưng sẽ tìm những giải pháp thông minh nhất”, Dung - một cư dân mạng từng chia sẻ với báo giới.

Nhưng không phải ai cũng được như Dung, có được tri thức và sự tỉnh táo, biết giới hạn ấy. Mạng xã hội không chỉ có cái xấu, sử dụng mạng xã hội là xu thế tất yếu, nhưng hãy đừng biến mình thành con rối đáng thương trong thế giới mạng mang cả hai mặt tốt xấu, được và mất.

Cách đây không lâu, trong cuộc họp tại Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra vào ngày 6/4, ông Lê Quang Tự Do - Cục Trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT), cho biết để theo kịp thị hiếu của người dùng, TikTok đã sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

Trong buổi họp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra 6 sai phạm của Tiktok và khẳng định sẽ mạnh tay triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật... để yêu cầu TikTok nói riêng, và các nền tảng xuyên biên giới nói chung, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Hà Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-trend-bat-trend-dung-bien-minh-thanh-con-roi-post296512.html