Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, chuyên gia cho rằng cần hướng tới mốc 150 tỉ USD

TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng việc dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng là phản ánh diễn biến của nền kinh tế, cũng như quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, đó là chính sách phù hợp. Đồng thời ông Thành lưu ý, là nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được, tránh gây lạm phát.

Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, chuyên gia cho rằng vẫn nên mua vào - Ảnh: Internet

Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, chuyên gia cho rằng vẫn nên mua vào - Ảnh: Internet

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 92 tỉ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối kỷ lục của Việt Nam. Con số đến cuối năm nay có thể đạt 100 tỉ USD, gấp 5 lần mức 20 tỉ USD vào đầu nhiệm kỳ.

Cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 80 tỉ USD. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào thêm 12 tỉ USD trong 8 tháng để thiết lập kỷ lục mới.

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại tháng 8 thặng dư khoảng 2,5 tỉ USD và lũy kế 8 tháng thặng dư 10,9 tỉ USD.

Nhóm chuyên gia của SSI Research nhận định nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp NHNN liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong tháng 8.

“Cung cầu ngoại tệ đang rất thuận lợi và USD vẫn chịu áp lực giảm giá trên thị trường quốc tế nên tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới”, SSI Research dự báo.

Trước thông tin dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt kỷ lục, có ý kiến cho rằng, NHNN nên hạn chế mua thêm USD vì quỹ dự trữ ngoại hối đã trên mức tối thiểu cần có là 3 tháng nhập khẩu.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng trong cả năm nay, vì theo báo cáo của NHNN, cán cân thương mại trong 8 tháng đầu năm thặng dư khoảng 11 tỉ USD (chủ yếu do nhập khẩu thu hẹp nhanh hơn xuất khẩu). Do đó, NHNN đã mua vào liên tục, khiến dự trữ tăng lên như vậy. Việc mua này theo ông Thành là cần thiết, nếu không tiền Việt sẽ lên giá (tức là tỷ giá ngoài thị trường sẽ giảm).

Theo ông Thành, đồng tiền Việt lên giá sẽ gây bất lợi cho người xuất khẩu Việt Nam khi thu tiền về. Đồng thời, những năm gần đây, nhờ chính sách ổn định tỷ giá và lãi tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ bằng không, hiện tượng đô la hóa đã giảm đáng kể. Do đó, đối với chính sách ngoại tệ, chỉ cần duy trì ổn định tỷ giá là được, không cần phải dùng đến biện pháp tăng giá đồng Việt.

Dù cho rằng việc tích lũy thêm dự trữ ngoại hối một cách liên tục có thể khiến Việt Nam gặp rủi ro là Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ, tuy nhiên, theo ước tính của ông Thành, Việt Nam cần tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 6 tháng nhập khẩu. Trong tình trạng hiện nay, mục tiêu cụ thể trong vòng 12-18 tháng tới nên là hướng tới mốc 150 tỉ USD. Theo thời gian, quy mô của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, và cùng với đó là quy mô xuất - nhập khẩu, thì mục tiêu của dự trữ ngoại hối có thể còn cao hơn nữa.

“Sắp tới khi có phục hồi kinh tế sau COVID-19, nhu cầu USD của Việt Nam có thể tăng nhanh trở lại, khi đó, chúng ta sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp. Khi đó, dự trữ ngoại hối có thể giảm hoặc ít nhất cũng không tăng như vừa qua. Đó là chuyện bình thường trong điều hành, như nước trong đập thủy điện lúc đầy lúc vơi", ông Thành nhận định.

Chuyên gia này cho rằng việc dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng là phản ánh diễn biến của nền kinh tế, cũng như quan điểm điều hành của NHNN. Trong bối cảnh hiện nay, đó là chính sách phù hợp. Đồng thời ông Thành lưu ý là nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được, tránh gây lạm phát.

“Tôi dùng từ 'vừa đủ' hàm ý rằng có thể trung hòa hơi lỏng một chút, không cần quá chặt chẽ, vì như thế cũng là một cách nới lỏng nhẹ tiền tệ, phục vụ cho mục đích chống suy giảm kinh tế trong thời gian dịch COVID-19.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/goc-video-c-216/du-tru-ngoai-hoi-dat-ky-luc-chuyen-gia-cho-rang-can-huong-toi-moc-150-ti-usd-143658.html