Dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, Sri Lanka đối mặt khủng hoảng chồng chất

Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka đang cạn kiệt một phần do ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và nguồn kiều hối suy giảm, khiến nước này đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc từ tài chính, năng lượng đến lương thực.

Người dân ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) xếp hàng mua dầu hỏa, nhiên liệu sử dụng cho các bếp dầu. Ảnh: Getty

Hôm 18-1, Sri Lanka đã hoàn trả 500 triệu đô la Mỹ cho khoản nợ trái phiếu chính phủ phát hành trên thị trường quốc tế. Đây chỉ là đợt thanh toán đầu tiên trong tổng số 4,5 tỉ đô la mà mà đảo quốc này cần hoàn trả trong năm nay để tránh vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử.

Thiếu đô la để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu

Chính phủ Sri Lanka đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 12 năm. Người dân đang gặp khó khăn trăm bề do mất thu nhập vì dịch bệnh, giá cả hàng hóa leo thang, thiếu thốn nhu yếu phẩm từ thuốc men cho đến nhiên liệu và lương thực. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, có khoảng 500.000 người dân rơi trở vào vào diện nghèo do mất việc làm và thu nhập giảm.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm nợ quốc tế như Moody’s, Fitch Ratings và S&P Global Ratings lần lượt hạ bậc tín nhiệm của Sri Lanka vì lo ngại nước này mất khả năng trả nợ. Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka Ajith Nivard Cabraal khẳng định nước ông sẽ đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán nợ nước ngoài trong năm 2022.

Một số chuyên gia cho rằng Sri Lanka nên cơ cấu lại nợ nước ngoài và thiết lập kế hoạch trả nợ trong ba năm, thay vì trả hết phần lớn trong năm nay. Họ nói rằng làm như vậy sẽ tiết kiệm được những đồng đô la quý giá và giảm bớt gánh nặng cho người Sri Lanka, những người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng hóa nhập khẩu như sữa bột, khí đốt và các nhiên liệu khác.

“Sri Lanka đang cam kết trả nợ một cách bất hợp lý. Cần thận trọng hơn để tạm dừng trả nợ và quan tâm đến các nhu cầu kinh tế quan trọng”, tiến sĩ Nishan de Mel, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Verité ở Colombo, Sri Lanka, nói,

Fitch Ratings ước tính Ngân hàng trung ương Sri Lanka sẽ cần thu xếp 2,4 tỉ đô la giúp các công ty nhà nước và tư nhân ở nước này thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ trong năm 2022 và thêm hơn 4,5 tỉ đô la nữa để trả nợ của chính phủ. Nước này cũng cần khoảng 20 tỉ đô la để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa trung gian để sản xuất hàng xuất khẩu.

Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka ở mức thấp trong nhiều tháng nhưng đã tăng lên 3,1 tỉ đô la vào cuối tháng 12 nhờ một giao dịch hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc. Trước đó, dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ còn 1,6 tỉ đô la, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thiết yếu trong một tháng.

Ngay trước khi Sri Lanka trả nợ trái phiếu quốc tế trị giá 500 triệu đô la vào hôm 18-1, nhiều nhà kinh tế trong nước kêu gọi chính phủ nên chấp nhận vỡ nợ để có nguồn đô la mua thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác từ nước ngoài.

Shanta Devarajan, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho rằng sự thiếu hụt nghiêm trọng về dự trữ ngoại hối của hòn đảo này đang làm trầm trọng thêm các vấn đề mà ông chứng kiến hàng ngày ở Sri Lanka như xếp hàng dài để mua gas, dầu hỏa, đường, bột mì…, giá thực phẩm tăng nhanh, mất điện thường xuyên và thiếu sữa bột, một mặt hàng chủ lực ở một đất nước nhiệt đới, nơi có nhiều nhà không có tủ lạnh và hàng triệu người khát trà sữa.

Devarajan viết trên DailyFT, một tờ báo của Sri Lanka: “500 triệu đô la này có thể cho phép mọi người, đặc biệt là những người nghèo, mua và nấu thức ăn cho bản thân và con cái của họ. Nhưng thay vì thế, chính phủ đang chọn cách trả nợ cho các trái chủ, những người hầu như không nghèo”.

Vish Govindasamy, Chủ tịch Phòng Thương mại Ceylon, cũng có quan điểm tương tự. Govindasamy nói rằng thay vì sử dụng ngoại tệ dự trữ để trả nợ, chính phủ nên tìm cách cơ cấu lại nợ để sử dụng ngoại tệ mua các mặt hàng thiết yếu, giúp giảm bớt nỗi khổ cho người dân

Anila Dias Bandaranaike, cựu trợ lý thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka, cảnh báo nguy cơ xảy ra bạo loạn vì thiếu lương thực nếu Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu lương thực.

Nợ công vượt 100% GDP

Qua nhiều lần vay nợ kể từ năm 2007, Sri Lanka đang có dư nợ trái phiếu chính phủ (ISB) trị giá tổng cộng 11,8 tỉ đô la, chiếm 36,4% tổng nợ nước ngoài của nước này. Khoản vay 4,6 tỉ đô la từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đứng ở vị trí thứ hai trong các khoản nợ vay nước ngoài, chiếm tỷ trọng 14,3%. Ngoài ra, Sri Lanka đang nợ Nhật Bản và Trung Quốc, mỗi nước khoảng 3,5 tỉ đô la.

Phần nợ nước ngoài còn lại là các khoản vay từ các nước như Ấn Độ và các tổ chức quốc tế khác bao gồm Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc. Tổng nợ công của Sri Lanka, bao gồm các khoản nợ nước ngoài đã lên mức 104% GDP trong năm 2021.

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay hàng tỉ đô la để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường cao tốc, cảng, một sân bay và một nhà máy điện than như là một phần trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Nhiều ý kiến chỉ trích số tiền này đã được sử dụng cho các dự án tốn kém, thiếu thiết thực và lợi nhuận thấp. Nhưng Trung Quốc bác bỏ chỉ trích đó. Sri Lanka đã đề nghị Trung Quốc tái cơ cấu các khoản nợ để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.

Phát biểu trước Quốc hội Sri Lanka hôm 18-1, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cho biết sẽ giới thiệu các luật mới để thu hút đầu tư nước ngoài trong 3 năm tới, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích xuất khẩu, phát triển du lịch và kiều hối để xây dựng lại kho dự trữ ngoại hối.

Ông nói rằng đất nước sẽ không thể nhập khẩu đầy đủ các mặt hàng thiết yếu nếu không nâng mức dự trữ ngoại tệ. Trước mắt, ông cho biết sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc và Ấn Độ giữa lúc đại dịch Covid-19 gây tổn thất lớn cho doanh thu ngoại tệ từ ngành du lịch.

Theo Reuters, Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/du-tru-ngoai-te-can-kiet-sri-lanka-doi-mat-khung-hoang-chong-chat/