Du Xuân miền Trung: 3 lễ hội tháng Giêng vui quên lối về, nhất định phải khám phá

Đầu Xuân là thời điểm lý tưởng để tham gia lễ hội, gửi gắm ước nguyện cho một năm mới bình an, thuận lợi. Tháng Giêng này, nhiều tỉnh thành miền Trung tưng bừng với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Cùng khám phá ngay những lễ hội đặc sắc nhất để lên kế hoạch du xuân trọn vẹn nhé!

Hội vật làng Sình (TP. Huế)

Hội vật làng Sình là một trong những lễ hội đầu Xuân sôi động nhất xứ Huế được diễn ra vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, TP. Huế). Với truyền thống hàng trăm năm, hội vật không chỉ là nơi phô diễn sức mạnh, mà còn mang ý nghĩa cầu an, mong một năm mới sung túc, thuận lợi.

Lễ hội là sân chơi thể thao truyền thống, giữ lửa tinh thần thượng võ của vùng đất cố đô và cũng là điểm đến lý tưởng dành cho du khách trong dịp đầu năm. Ảnh: hue.gov.vn

Lễ hội là sân chơi thể thao truyền thống, giữ lửa tinh thần thượng võ của vùng đất cố đô và cũng là điểm đến lý tưởng dành cho du khách trong dịp đầu năm. Ảnh: hue.gov.vn

Khi tham dự lễ hội này, bạn cũng có thể thử sức trên sới vật. Ảnh: hue.gov.vn

Khi tham dự lễ hội này, bạn cũng có thể thử sức trên sới vật. Ảnh: hue.gov.vn

Bất kỳ ai cũng có thể "xắn tay áo", bước lên sới vật để thử sức và nhận về những tràng vỗ tay cuồng nhiệt. Mỗi trận đấu là màn đối đầu gay cấn, đậm chất chiến thuật nhưng vẫn đầy tinh thần giao lưu, đoàn kết. Hội vật không chỉ là cuộc tranh tài mà còn là dịp để làng quê thêm rộn ràng, người người gắn kết, mở đầu một năm mới tràn đầy năng lượng và niềm vui.

Hội vật làng Sình hằng năm đều thu hút đông đảo người tham gia. Video: FB Legend of Hue

Lễ hội Đền Vua Mai (Nghệ An)

Hằng năm, từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch, người dân huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) lại rộn ràng tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai để tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế - vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chống lại ách đô hộ của nhà Đường vào thế kỷ VIII.

Ảnh: Mai Hoa/Báo Nghệ An

Ảnh: Mai Hoa/Báo Nghệ An

Ảnh: kinhtemoitruong.vn

Ảnh: kinhtemoitruong.vn

Lễ hội gồm hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trang nghiêm với các nghi thức truyền thống, thể hiện lòng thành kính đối với bậc tiền nhân.

Phần hội mang đến bầu không khí sôi động với các hoạt động như đấu vật, đua thuyền, đu tiên, chọi gà và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, tất cả tạo nên một lễ hội rộn ràng, đầy sắc Xuân. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất Nghệ An mà bạn nhất định phải khám phá.

Đông đảo người dân và du khách tìm về lễ hội để chiêm bái và vui chơi. Ảnh: Huy Thư/Báo Nghệ An

Đông đảo người dân và du khách tìm về lễ hội để chiêm bái và vui chơi. Ảnh: Huy Thư/Báo Nghệ An

Lễ hội Nguyên tiêu (Quảng Nam)

Lễ hội Nguyên tiêu (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu hoặc Tết Thượng nguyên) tại Quảng Nam diễn ra trong 3 ngày từ 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch tại phố cổ Hội An, là một dịp tuyệt vời để Gen Z tham gia vào không gian văn hóa đặc sắc của miền Trung.

Đây không chỉ là thời gian để bạn tận hưởng những nghi lễ trang nghiêm tại các địa điểm lịch sử như chùa Ông, chùa Cầu, đình Sơn Phong, mà còn được tham gia các hoạt động lễ hội truyền thống như tế thần linh và lễ tống Long Chu...

Tết Nguyên tiêu nơi đây cũng tấp nập và nhộn nhịp như dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: HỒNG VIỆT/Báo Quảng Nam

Tết Nguyên tiêu nơi đây cũng tấp nập và nhộn nhịp như dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: HỒNG VIỆT/Báo Quảng Nam

Không khí vui tươi của Tết Nguyên tiêu tại Hội An năm Giáp Thìn. Video: FB Hội An

Ngoài các nghi lễ, lễ hội còn mang đến không khí vui nhộn với những trò chơi dân gian và các hoạt động cộng đồng tại công viên Kazik và đình Cẩm Phô. Đặc biệt, lễ hội cũng là dịp để thưởng thức các món ăn độc đáo của cộng đồng người Hoa, tạo nên một không gian giao lưu văn hóa đa dạng và sôi động.

Nếu bạn muốn trải nghiệm không khí Tết Nguyên tiêu đặc sắc và tìm hiểu những nét đẹp văn hóa Hội An, đây chính là sự kiện bạn không thể bỏ qua trong mùa xuân này!

Hữu Tùng (tổng hợp)

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/du-xuan-mien-trung-3-le-hoi-thang-gieng-vui-quen-loi-ve-nhat-dinh-phai-kham-pha-post1714059.tpo