Đưa ánh điện đến với người nghèo vùng biên
Dưới ánh điện, trẻ em thoải sức vui chơi; chị em phụ nữ có thể gặp gỡ giao lưu, chia sẻ tin tức, kinh nghiệm... Những công trình 'Ánh sáng vùng biên' đang mang lại diện mạo tươi mới cho nhiều thôn, bản biên giới tỉnh Quảng Bình.
Trẻ em vui đùa dưới ánh sáng điện. Ảnh: Thanh Nam
Những ngày này, dọc con đường vào bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình sáng bừng ánh điện. Người lớn ngồi trò chuyện, hóng gió, trẻ em nô đùa tíu tít dưới ánh đèn. Niềm vui của người dân bản Dốc Mây đến từ công sức của những người lính Biên phòng với việc hoàn thành công trình "Ánh sáng vùng biên" tại bản trong tháng 10 vừa qua.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn chia sẻ cùng chúng tôi: "Trong điều kiện đời sống của bà con trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai xây dựng các mô hình, công trình an sinh như công trình "Ánh sáng vùng biên" rất phù hợp và ý nghĩa. Các công trình "Ánh sáng vùng biên" được đưa vào sử dụng không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm bớt khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn đảm bảo tình hình an ninh trật tự, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó quân - dân ở khu vực biên giới".
Nhiều bản làng biên giới Quảng Bình giờ đây sáng lung linh mỗi khi đêm về nhờ hệ thống điện do Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trao tặng. Ảnh: Thanh Nam
Ông Đinh Xi, Trưởng bản Dốc Mây phấn khởi cho biết: "Trước đây, khi màn đêm buông xuống, bản làng tối đen. Mọi người đều đi ngủ sớm. Ai có việc phải đi ra ngoài phải dùng đèn pin, mò mẫm bước đi từng bước, mọi sinh hoạt, đi lại đều rất bất tiện. Từ ngày có cái đèn điện, người già, trẻ em đều nhìn thấy đường mỗi khi đêm về. Nhờ có điện, bà con đi lại an toàn hơn, có đi sinh hoạt các tổ chức hội hay đi về khuya cũng rất yên tâm. Dân bản chúng tôi rất vui".
Trẻ em bản Dốc Mây chơi đùa dưới ánh đèn điện. Ảnh: Thanh Nam
Dốc Mây bừng sáng
Đến Dốc Mây mới có thể cảm nhận hết được sự khó khăn của người dân nơi đây cũng như tình cảm chân thành mà cán bộ Biên phòng Làng Mô dành cho dân bản. Dốc Mây nằm sát biên giới Việt Nam – Lào. Đường đi lại cách trở vô hình biến bản nhỏ này tách biệt hẳn với các thôn bản khác ở xã Trường Sơn. Không có đường giao thông, cán bộ phải trèo đèo, luồn rừng, vượt núi đá cheo leo gần 20km mới tới bản.
Cả bản Dốc Mây chỉ có 22 hộ dân với 99 khẩu, đều là người dân tộc Bru Vân Kiều và thuộc diện hộ nghèo. Do địa hình cách trở, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác ít nên đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Ở Dốc Mây, đến giờ vẫn chưa có điện lưới sinh hoạt. Chính vì vậy, người dân ở đây luôn khát khao có được ánh sáng điện để thuận tiện hơn trong sinh hoạt, nhất là khi tối đến.
Thấu hiểu khó khăn của người dân, Đồn Biên phòng Làng Mô đã vận động các tổ chức giúp đỡ kinh phí, cán bộ chiến sĩ bỏ công sức lao động triển khai công trình "Ánh sáng vùng biên" về với bản Dốc Mây.
Kéo đường dây điện lên bản. Ảnh: Thanh Nam
Với tinh thần lao động hăng say, hết lòng vì bà con Dốc Mây, chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đã hoàn thành xây dựng 20 cột đèn năng lượng mặt trời, chiếu sáng trên đoạn đường chính dài hơn 700m của bản Dốc Mây.
Ngày nhận bàn giao công trình, dân bản ai cũng mừng vì từ nay, đi lại vào ban đêm không phải mang đèn pin nữa. Trẻ con có thể vui chơi, chị em phụ nữ giao lưu, chia sẻ… dưới ánh điện.
Chứng kiến niềm vui mừng của người dân khi đón ánh sáng điện về bản, Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô, người trực tiếp vận chuyển nguyên vật liệu, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị xây dựng các cột đèn phấn khởi, hạnh phúc như nhận được quà tặng.
Anh chia sẻ: "Do địa hành núi non hiểm trở, xa trung tâm xã nên bản Dốc Mây đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Người dân ở đây còn rất nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Bà con chủ yếu dùng đèn pin hoặc đèn dầu để thắp sáng. Chính vì vậy, nhằm giúp bà con vơi bớt khó khăn, chúng tôi đã kết nối với các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đưa ánh sáng điện về đây. Với sự trợ giúp nguồn lực huy động được và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ chỉ trong chưa đầy 1 tuần lao động, chúng tôi đã hoàn thành hệ thống đèn năng lượng mặt trời tặng cho bà con. Công trình này sẽ giúp bà con thuận lợi hơn trong sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Dù tốn nhiều công sức, mệt nhọc, vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì đã làm được việc có ích cho bà con".
"Thắp sáng" hàng chục thôn, bản
Không chỉ bản Dốc Mây, người dân nhiều thôn, bản khác ở xã Trường Sơn cũng đã được hưởng niềm vui khi ánh sáng điện về bản nhờ công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Đồn Biên phòng Làng Mô phụ trách địa bàn xã Trường Sơn có 4 thôn, 15 bản, với 1.246 hộ dân/5.195 khẩu, trong đó người dân tộc Vân Kiều chiếm hơn 60%. Những năm qua, xã Trường Sơn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư các chương trình phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách ưu tiên xóa đói, giảm nghèo, đời sống của nhân dân trên địa bàn xã cơ bản ổn định, ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Trường Sơn vẫn một trong những xã nghèo của huyện Quảng Ninh; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, giao thông đi lại khó khăn, một số bản ở xa, không có đường giao thông tới bản, mùa mưa bị chia cắt, nhiều thôn bản chưa được kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia. Trước thực trạng trên, mô hình "Ánh sáng vùng biên" được triển khai nhằm tạo thuận lợi cho người dân sinh hoạt.
Trẻ em vui đùa dưới ánh sáng điện. Ảnh: Thanh Nam
"Quá trình xây dựng công trình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu không thuận lợi. Có nhiều bản xa trung tâm, không có đường giao thông tới bản, chúng tôi phải cùng với bà con gùi cõng nguyên, vật liệu với số lượng lớn, rất khó nhọc. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, với ý chí quyết tâm, chúng tôi đã triển khai thi công và hoàn thành các công trình bảo đạm đúng tiến độ, kịp thời bàn giao bà con nhân dân sử dụng có hiệu quả", Đại úy Trần Thanh Nam chia sẻ.
Các công trình "Ánh sáng vùng biên" đã góp phần giúp bà con, nhân dân trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm tốt an ninh trật tự tại các thôn, bản khu vực biên giới.