Đưa ảnh sex người yêu cũ lên mạng, bị xử lý tội gì?
Tôi và anh ấy mới chia tay được 1 tháng. Gần đây tôi nhận được tin nhắn của người yêu cũ đe dọa tung ảnh tình cảm riêng tư của hai người lên mạng.
Tôi cứ nghĩ anh ta nói đùa, nhưng không ngờ, anh ta đăng toàn bộ những bức ảnh “thân mật” của hai đứa lên Facebook. Luật sư cho tôi hỏi hành vi của người yêu cũ tôi như vậy thì phạm tội gì và bị xử lý ra sao?
Ngọc Bình (TPHCM)
Trả lời:
Hành vi đưa ảnh “nóng” của bạn lên Facebook là một hành động có chủ đích nhằm làm nhục người khác. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành “Tội làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Hoặc tùy vào động cơ, mục đích phạm tội, mặt khách quan của hành vi mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét khởi tố về “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” quy định tại Điều 253 Bộ Luật hình sự.
Đối với “Tội làm nhục người khác”: Hành vi của tội phạm là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc làm mất uy tín của người đó đối với xã hội, cơ quan, gia đình. Hành vi này được thực hiện bằng lời nói, viết, vẽ hay những hành động khác. Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi cố ý. Người bạn trai mặc dù đã biết hành vi của mình là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi để đạt được mục đích đó.
Tội phạm được quy định tại Điều 121 BLHS, cụ thể như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nếu hành vi thỏa mãn “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 253 Bộ Luật hình sự với mức phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi phổ biến cho người khác biết về những vật phẩm có tính chất đồi trụy bằng nhiều hình thức khác nhau như: Làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ hoặc một số hành vi khác với mục đích phổ biến cho nhiều người là dấu hiệu không thể thiếu để cấu thành loại tội phạm này. Nếu một người có các hành vi làm ra, sao chép, lưu hành… nhưng không nhằm phổ biến cho người khác biết thì cũng không cấu thành tội phạm.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng
(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)