Đưa bộ chỉ số KPI vào đánh giá cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ đang tham mưu triển khai những vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Luật Cán bộ, công chức, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức theo nguyên tắc 'có vào, có ra, có lên, có xuống'.

Chiều 8-7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm. Tại đây, người đứng đầu ngành nội vụ đã chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, trong đó sẽ áp dụng KPI để đánh giá, đo lường, phân loại với cán bộ, công chức của các đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ theo nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống”.

 Ảnh minh họa: BỘ NỘI VỤ

Ảnh minh họa: BỘ NỘI VỤ

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, sẽ có nhiều điểm mới trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Theo đó, Bộ Nội vụ đang tham mưu triển khai những vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Luật Cán bộ, công chức, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức theo nguyên tắc “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Trên cơ sở tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới, Bộ Nội vụ chủ động thực hiện việc đánh giá KPI hàng tháng, hàng quý, 6 tháng cuối năm và cả năm 2025. Sau khi được Bộ Chính trị cho ý kiến, việc đánh giá này sẽ áp dụng cho cán bộ, công chức trên toàn quốc. Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc áp dụng KPI vào đánh giá cán bộ, công chức để đảm bảo tinh thần sàng lọc đội ngũ theo chỉ đạo chung.

Theo kết quả thực hiện công tác của Bộ Nội vụ, trong 6 tháng đầu năm, ngành nội vụ đã tập trung thực hiện chủ trương “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, lấy công tác tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy làm trọng tâm. Bộ Nội vụ đã chủ trì tham mưu Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xác định cơ cấu Chính phủ khóa XV, qua đó tinh giản còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong khi đó, bên trong các bộ, ngành đã xóa 13/13 tổng cục; cắt giảm 509 cục, 232 vụ, 3.377 chi cục và 205 đơn vị sự nghiệp. Tổng cộng có 22.300 biên chế đã được rút giảm ở khối Trung ương. Ở cấp địa phương, từ ngày 1-7, khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, cả nước còn 34 tỉnh, thành; 3.321 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân, 6 tháng cuối năm 2025, Bộ Nội vụ xác định phương châm “tăng tốc bứt phá”, coi hoàn thiện thể chế và bảo đảm nguồn lực là đòn bẩy để cán đích chương trình tinh giản biên chế, sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo kế hoạch chung, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết Trung ương bằng việc trình Chính phủ ban hành 27 nghị định và 17 thông tư, tập trung vào cơ cấu tổ chức cấp bộ, vị trí việc làm, quản lý biên chế, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách đối với cán bộ dôi dư.

Trọng tâm cải cách hành chính tiếp tục là rà soát, cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo ông Vũ Xuân Hân, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và đối khớp 100% hồ sơ với cơ sở dữ liệu dân cư trước cuối năm; dữ liệu này làm căn cứ tự động hóa quy trình tinh giản, nâng ngạch và bố trí lại nhân sự sau sáp nhập.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dua-bo-chi-so-kpi-vao-danh-gia-can-bo-cong-chuc-post802973.html