Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới
Ngày 8/7, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương phối hợp Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 với chủ đề: 'Các giải pháp chiến lược và thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới'.

Đồng chí Trần Lưu Quang phát biểu tại diễn đàn.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì diễn đàn.
Cùng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ.
Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; các chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và đại diện nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp trên cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu đề dẫn.
Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, diễn đàn tạo không gian để các cơ quan, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng đóng góp ý tưởng để đất nước phát triển bền vững. Nhấn mạnh những thời cơ, thách thức trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế; huy động nguồn lực của xã hội, tận dụng lợi thế không gian phát triển mới…hiến kế theo chủ trương của Đảng.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho cho các lĩnh vực, ngành hàng, các khu vực kinh tế đã chia sẻ nhiều thông tin thực tiễn, đánh giá khả năng, cơ hội bứt phá tăng trưởng hiện nay và giai đoạn tới của từng ngành, lĩnh vực, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhiều ý kiến đóng góp để nền kinh tế đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, Việt Nam cần một chiến lược đồng hành toàn diện giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào ngành nghề mới, đặc biệt các ngành công nghệ cao. Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp ở giai đoạn bắt đầu, hỗ trợ quỹ đầu tư phát triển dựa trên việc lựa chọn ngành nghề mới và công nghệ cao mong muốn tham gia, lựa chọn doanh nghiệp tiềm năng ở lĩnh vực đó để cùng đầu tư về công nghệ, nhân lực, vật lực phù hợp.
Từ góc độ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nhiều đại biểu nhấn mạnh công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thông thoáng, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh…

Các đại biểu trao đổi, thảo luận.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng, để đạt các mục tiêu chiến lược, hướng đến mốc 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045), tất cả phải đồng lòng, chung tay, góp sức, hỗ trợ, chia sẻ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; cần có chiến lược, mô hình đúng; đánh giá tác động từ bên ngoài.
Phân tích về những cơ hội, thách thức để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, đồng chí nhận định, cơ hội nhiều hơn thách thức khi niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào sự cải cách, đặc biệt là sự thay đổi có tính chất cách mạng được nâng lên. Bên cạnh đó, tiềm lực của Việt Nam lớn hơn so với trước đây, vị thế của đất nước được khẳng định, nâng cao trên trường quốc tế.
Đồng chí nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới, cần có tư duy, cách tiếp cận và cách làm mới; có thứ tự ưu tiên trong thực hiện công việc; các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hết mình, chủ động, có sự liên kết, phối hợp tốt với nhau. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần chủ động hơn khi tới đây sẽ được phân cấp nhiều hơn; lãnh đạo các địa phương phải thực sự chia sẻ, lắng nghe người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đồng chí Trần Lưu Quang cho biết, các ý kiến sẽ được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.