Đưa 'cánh buồm xanh' của Việt Nam ra khơi cùng thế giới
Chặng đường phía trước vẫn còn dài, việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các đối tác quốc tế sẽ là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của mình trong tiến trình chuyển đổi xanh của thế giới.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew nhấn mạnh điều đó trong trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14-17/4.

Đại sứ Anh Iain Frew khẳng định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển các ngành công nghiệp mới dựa trên nền tảng xanh, đồng thời mở ra những cơ hội việc làm hấp dẫn cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Thành Long)
Thế giới đang bước vào giai đoạn quyết định của quá trình chuyển đổi xanh, Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực và bước tiến của Việt Nam trên hành trình hướng tới phát triển bền vững?
Tôi nhận thấy Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi xanh, góp phần xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, những cam kết mà Việt Nam đưa ra trên trường quốc tế về phát triển xanh cũng thu hút nhiều sự chú ý. Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 năm 2021 là một bước ngoặt, tạo động lực mạnh mẽ cho những nỗ lực cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng và chuyển dịch năng lượng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 một cách thực chất.
Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc nền công nghiệp Việt Nam đang từng bước định hình lại theo hướng xanh hơn, thu hút dòng vốn đầu tư mới vào các lĩnh vực công nghệ sạch, đồng thời bảo đảm rằng quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ trở thành nền tảng cho tăng trưởng xanh trong tương lai. Do đó, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ và bắt đầu bằng những bước đi tích cực.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn dài và tôi tin rằng việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các đối tác quốc tế sẽ là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của mình trong tiến trình này.
Trong chặng đường phía trước đó, làm thế nào để chuyển hóa tiềm năng và cơ hội của Việt Nam thành lợi thế chiến lược và bứt phá trong tương lai?
Tôi cho rằng tiềm năng để Việt Nam hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh là rất lớn. Điều này dựa trên nền tảng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà các bạn đã đạt được trong thời gian qua, từ việc thu hút đầu tư, kết nối và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Trên cơ sở đó, Việt Nam có cơ hội lớn để vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư và người tiêu dùng quốc tế - những người ngày càng đặt niềm tin vào những quốc gia có cam kết mạnh mẽ và "hồ sơ xanh” rõ ràng. Họ muốn biết sản phẩm và các công ty, nhà máy mà mình đầu tư sẽ hoạt động một cách bền vững và có khả năng thích ứng với tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở một vị thế thuận lợi. Tương lai của dòng vốn đầu tư chắc chắn sẽ gắn chặt với tiêu chí phát triển bền vững. Lĩnh vực năng lượng là ví dụ điển hình, với đường bờ biển dài 3.200 km và số giờ nắng trung bình mỗi năm, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển điện gió ngoài khơi và năng lượng mặt trời.
Hiện nay, đất nước hình chữ S đã thực hiện những bước đi đầu tiên, song dư địa phát triển vẫn còn rất rộng mở. Nếu biết tận dụng tốt các lợi thế này, Việt Nam không chỉ có thể đạt được mục tiêu tự chủ về năng lượng, mà còn có khả năng vươn lên thành nhà xuất khẩu năng lượng trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, tôi tin rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển các ngành công nghiệp mới dựa trên nền tảng xanh, đồng thời mở ra những cơ hội việc làm hấp dẫn cho thế hệ trẻ - những người đang được đào tạo trong các cơ sở giáo dục hôm nay và sẽ là lực lượng nòng cốt cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Việc Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 đặt trọng tâm vào yếu tố con người là hoàn toàn đúng đắn và có tầm nhìn, nhấn mạnh rằng mọi hành động của chúng ta đều cần hướng đến cộng đồng, đến gia đình, đến từng cá nhân. (Ảnh: Thành Long)
Vâng, rõ ràng là Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội vàng, như ông nhắc đến. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản trên hành trình hướng tới phát triển xanh và bền vững. Vây đâu là giải pháp vượt qua những thách thức đó?
Chuyển đổi xanh là một chặng đường đầy cam go, không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Và phần nào đó, đây cũng là lý do chúng ta có Hội nghị thượng đỉnh P4G ngày hôm nay - nơi các quốc gia cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và cam kết hành động. Bởi lẽ, chỉ có hành động chung, chúng ta mới có thể tháo gỡ những thách thức mang tính toàn cầu này.
Tại Việt Nam, một trong những trở ngại lớn là làm sao thu hút được nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của tăng trưởng xanh. Để làm được điều đó, quốc gia cần tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, với các khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn nhà đầu tư.
Đây là yếu tố rất quan trọng đối với Việt Nam. Tôi thấy ở một số lĩnh vực, Việt Nam đã có những bước phát triển rất tích cực, tiêu biểu như xây dựng khung pháp lý nhằm thu hút đầu tư vào điện mặt trời áp mái hoặc cơ sở hạ tầng bền vững. Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển đó, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách là điều thiết yếu.
Bên cạnh vấn đề vốn và chính sách, kỹ năng cũng là một rào cản tiềm tàng lớn. Chúng ta cần đội ngũ kỹ sư, chuyên gia và người lao động ở mọi lĩnh vực được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để thích ứng với tham vọng xanh. Nói cách khác, giáo dục và đào tạo phải đi trước một bước, đồng hành với tầm nhìn xanh mà Việt Nam đang theo đuổi.
Tóm lại, để tiến nhanh và vững chắc trên con đường chuyển đổi xanh, Việt Nam cần đồng thời ba yếu tố: Dòng vốn, khung chính sách phù hợp và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang trở thành ưu tiên toàn cầu, theo ông, Việt Nam có thể khai thác và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Anh, như thế nào để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững?
Chuyển đổi xanh không chỉ là xây dựng hệ thống hạ tầng vật lý, mà cốt lõi là cách con người tương tác, vận hành và hưởng lợi từ những thay đổi đó như thế nào. Vì thế, việc Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 tại Hà Nội đặt trọng tâm vào yếu tố con người là hoàn toàn đúng đắn và có tầm nhìn. Điều này nhấn mạnh rằng mọi hành động của chúng ta đều cần hướng đến cộng đồng, đến gia đình, đến từng cá nhân.
Do đó, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để đưa ra các giải pháp sáng tạo và học hỏi lẫn nhau. Hôm nay, chúng ta đã được nghe nhiều chia sẻ từ các đại biểu đến từ Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi, châu Âu… và tất cả đều chung một cam kết, đó là làm sao mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nhiều hình thức hợp tác hiệu quả trong chuyển đổi xanh. Một ví dụ điển hình là Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), vốn được nhiều nhà lãnh đạo đề cập tại Hội nghị. Đây là cơ hội quý báu để Việt Nam tận dụng nguồn vốn tài chính và chuyên môn quốc tế khổng lồ đang sẵn sàng đổ vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Có thể nói, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tận dụng cơ hội này để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển bền vững của mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thế mạnh trong thương mại quốc tế - điều mà Anh rất ủng hộ và chia sẻ. Chúng tôi cũng mong muốn các hiệp định thương mại song phương không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy trao đổi hàng hóa, mà còn trở thành chất xúc tác cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững hơn.
Lấy ngành dược phẩm làm ví dụ, đây là một lĩnh vực đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam. Tính bền vững trong sản xuất dược không chỉ nằm ở bao bì thân thiện môi trường mà còn ở việc sử dụng năng lượng sạch trong vận hành nhà máy. Những yếu tố đó cần được tích hợp vào quá trình đối thoại song phương về thương mại và đầu tư.
Tôi rất vui khi nhận thấy khu vực tư nhân đang thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực này. Để quá trình chuyển đổi xanh đạt hiệu quả thực chất, Việt Nam cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa để hiện thực hóa các cam kết xanh một cách bền vững và toàn diện.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư từ ngày 14-17/4.
Đây là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dua-canh-buom-xanh-cua-viet-nam-ra-khoi-cung-the-gioi-311542.html