Thái Lan kêu gọi ASEAN cùng xây dựng chiến lược đàm phán với Mỹ

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz người hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.

Theo thông tin được Bangkok Post đăng tải ngày 19/4, cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng diễn ra vào ngày 17/4. Hai bên chia sẻ những quan điểm chiến lược liên quan đến quan hệ song phương Thái Lan – Malaysia cũng như tầm nhìn ở cấp độ khu vực; nhằm chuẩn bị ứng phó với chính sách thương mại diễn biến khó lường từ phía Mỹ – đặc biệt là các biện pháp thuế quan đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ chuỗi cung ứng của khu vực Đông Nam Á.

Ông Pichai Naripthaphan đề xuất phía Malaysia – với vai trò Chủ tịch ASEAN – sớm triệu tập cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế của khu vực để cùng xây dựng một chiến lược thống nhất trong đàm phán với Mỹ. Ông Pichai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện sự đoàn kết nội khối, cùng theo đuổi các giải pháp mang tính xây dựng, bền vững và bảo vệ lợi ích chung của khu vực.

Theo ông Pichai Naripthaphan, cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN không chỉ góp phần ổn định lâu dài các chuỗi cung ứng khu vực mà còn củng cố quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư với Mỹ.

Bộ trưởng Pichai cũng khẳng định thương mại nội khối ASEAN vẫn duy trì sự sôi động và Thái Lan sẵn sàng đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ ASEAN giữ vững nguyên tắc cởi mở, kết nối và phát triển bền vững trong quan hệ với tất cả các đối tác thương mại toàn cầu. Ông nhấn mạnh tham vọng đưa Thái Lan trở thành “trung tâm kinh tế – thương mại quốc tế”.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan tại Thụy Sỹ ngày 21/1. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan tại Thụy Sỹ ngày 21/1. Ảnh: Bloomberg

Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Trong năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 477 tỷ USD, trong đó ASEAN xuất khẩu sang Mỹ 352 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ 125 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ ASEAN sang Mỹ bao gồm cao su và các sản phẩm từ cao su, giày dép, hàng may mặc, thiết bị điện tử và máy móc. Ngược lại, Mỹ xuất khẩu sang ASEAN chủ yếu là máy móc, thiết bị điện, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm nông nghiệp và linh kiện ô tô.

Các quốc gia thành viên ASEAN là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Campuchia bị áp thuế đối ứng lên đến 49%, tiếp theo là Lào (48%), Việt Nam (46%) và Myanmar (44%). Trong khi đó, Thái Lan bị áp thuế 36%, Indonesia 32%, Brunei và Malaysia đều ở mức 24%, Philippines 17% và Singapore 10%.

Dự kiến trong tháng 5, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 25 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia). Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo và các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm cả giải pháp kiểm soát làn sóng hàng nhập khẩu kém chất lượng đang gia tăng.

Tùng Dương

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-lan-keu-goi-asean-cung-xay-dung-chien-luoc-dam-phan-voi-my-40602.html