Đưa cao đẳng về Bộ GD quản lý là một giải pháp khắc phục lùm xùm về đào tạo
Việc quản lý các trường cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề đang có sự lộn xộn, chưa có sự thống nhất, thậm chí chồng chéo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là giải pháp, song chưa triệt để
Vừa qua, báo chí phản ánh một số tiêu cực trong công tác tuyển sinh và đào tạo tại một số trường cao đẳng thuộc khối ngành sức khỏe, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo ngại về chất lượng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng: "Dù là Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, hay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, thì các cơ sở giáo dục đào tạo từ bậc phổ thông đến đại học, sau đại học hay đào tạo nghề, đều phải xác định, không được dối trá."
"Học mà không thật thì học không nên người. Học mà không thật thì người học cũng không lĩnh hội được tri thức, không tích lũy được gì. Còn người đào tạo không đào tạo thật thì sẽ cho ra trường nguồn nhân lực kiểu gì? Nói như vậy, để thấy rằng, trong giáo dục và đào tạo, không thể có chuyện lừa dối, “ăn thật, làm dối”, nói một đằng làm một nẻo, không được rút đi bất cứ công đoạn nào trong đào tạo.
Tôi cho rằng, không chỉ riêng một trường y, dược nào, mà rất có thể đâu đó vẫn còn trường khác cũng phát sinh vấn đề trong tuyển sinh, đào tạo. Chúng ta phải xem xét lại cách đào tạo, làm sao phải vì bản thân người học, vì nguồn nhân lực trong tương lai, cũng là vì tương lai của đất nước. Trong các Nghị quyết của Đảng đều nêu rất rõ quan điểm: tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nước ta muốn thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, mở rộng quy mô thì phải cung ứng được một nguồn lao động chất lượng cao, chứ nguồn nhân lực chất lượng thấp thì không thể mong có đầu tư”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.
Đồng quan điểm đó, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương) nhìn nhận: “Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tiêu cực trong công tác tuyển sinh và đào tạo, mà tiêu cực cũng không phải chỉ xảy ra ở các trường cao đẳng hay ở riêng khối ngành đào tạo y, dược. Thực tế, những năm qua, cứ một thời gian lại có một vụ việc, tiêu cực xuất hiện cả ở trong môi trường giáo dục phổ thông đến đào tạo bậc đại học, sau đại học... thậm chí, cả đào tạo tiến sĩ khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến việc xảy ra tiêu cực ở khối ngành nào, ở trường nào và đưa ra giải pháp với khối ngành đó, trường đó, thì chỉ là giải pháp để giải quyết “phần ngọn”. Tiêu cực vẫn có thể tiếp tục xảy ra!”.
“Theo tôi, trước tiên, chất lượng đào tạo phải được đặt lên hàng đầu, không chỉ đối với riêng khối ngành y, dược. Đương nhiên, chất lượng đào tạo khối ngành y dược cực kỳ quan trọng, bởi sau khi tốt nghiệp, các sinh viên đó sẽ làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cần hết sức thận trọng. Nhưng các ngành khác cũng cần phải nêu cao chất lượng.
Chính vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận một cách tổng thể, xem xét nguyên nhân tại đâu mà liên tiếp xảy ra tiêu cực, không đảm bảo chất lượng đào tạo, rồi hàng loạt sinh viên, học viên không đi học vẫn có điểm, hay đi học một cách “ấm ớ” cũng được điểm cao, cũng ra trường, thậm chí, bằng tốt nghiệp loại giỏi cũng rất nhiều.
Nếu làm một phép so sánh nhanh giữa việc học đại học của hiện nay với thời kỳ trước năm 2000, có thể thấy, chất lượng khác nhau rất nhiều, từ điểm đầu vào đến điểm đầu ra... Trước đây, việc học đại học từ khi chưa “nở rộ” các trường đại học và phải trải qua một quy trình hết sức chặt chẽ, sinh viên tốt nghiệp bằng khá đã là một việc vẻ vang, rất hiếm có bằng giỏi.
Còn hiện nay, mặc dù không phải “vơ đũa cả nắm”, nhưng lại có những sinh viên cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi đi thử việc cũng không đáp ứng yêu cầu công việc. Có thể lấy ví dụ ngay tại cơ quan tôi trước đây, cũng đã từng nhận sinh viên bằng giỏi về thử việc nhưng không đáp ứng được...” - nữ đại biểu phân tích.
Từ đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhìn nhận hết sức thực chất, tìm hiểu rõ căn nguyên từ đâu, gốc rễ của căn bệnh thành tích trong giáo dục xuất phát từ đâu?
Thứ nữa, phải chăng sau khi các cơ sở giáo dục được giao cơ chế tự chủ, đã vô tình tạo ra mặt trái, một số trường vì muốn thu hút sinh viên, học viên mà không tự tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo của mình, lại nghĩ đến cách tuyển sinh dễ dãi, để sinh viên đến trường học hay không cũng được, vẫn có điểm, vẫn tốt nghiệp. Đó là cơ sở giáo dục đào tạo có quan điểm rất sai lầm, quản lý dễ dãi, xem nhẹ chất lượng.
Chính vì vậy, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến giải pháp. Việc đưa các trường cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cũng là một giải pháp, bởi thực chất công tác giáo dục và đào tạo thì nên có sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Song, tôi cho đó chưa thực sự là giải pháp triệt để.
Qua theo dõi, tôi nhận thấy, việc quản lý các trường cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề đang có sự lộn xộn, chưa có sự thống nhất, thậm chí chồng chéo, cần có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn”.
Siết chặt chế tài, giải thể trường, cấm hành nghề nếu phát hiện vi phạm
Bên cạnh giải pháp đưa các trường cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề cập: “Để quản lý tốt chất lượng, phải yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm các quy định. Hiện nay, khung pháp lý đã khá đầy đủ, nhưng quan trọng là ở cơ sở thực hiện và người thực hiện lại không làm nghiêm túc.
Vì vậy, chúng ta phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm thật nghiêm túc, để kịp thời phát hiện những sai phạm nếu có. Đồng thời, nếu phát hiện sai phạm, phải có chế tài xử lý thật nghiêm minh. Kết hợp được như vậy, sẽ không còn nhiều kẽ hở để lọt vi phạm.
Một giải pháp nữa là, tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục đạo đức. Bởi, buông lỏng chất lượng không phải chỉ do phía cơ sở đào tạo “bát nháo”, mà bản thân người học cũng không muốn học một cách nghiêm túc mà vẫn muốn có điểm... Đây là một sự gian dối cực kỳ nguy hiểm, không những tạo ra sự bất công bằng, bất bình đẳng với nhau với những người học thật thi thật, mà quan trọng hơn cả là tác hại đối với xã hội rất khôn lường...
Chúng ta cứ hình dung, sinh viên ngành y, dược mà không đi học ngày nào thì ra trường hành nghề sẽ thế nào, rất có thể sẽ phải trả giá bằng sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Hệ lụy vô cùng lớn!.
Đối với những người đã và đang học ngành y, dược mà bị phát hiện gian dối như vậy, hoàn toàn không có đủ tư cách để hoạt động trong nghề. Ngay từ lúc vào trường, sinh viên đã phải đọc lời thề Hippocrates, y đức là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu. Mà y đức không phải chỉ được thể hiện trong lúc hành nghề khám chữa bệnh cho bệnh nhân, mà phải được xây dựng nền móng từ việc học hành tử tế, đây cũng là nền móng, gốc rễ xây dựng đạo đức của một con người trước khi nói đến y đức...
Vậy nên, phải nêu cao trách nhiệm của người học, để bản thân người học không tự rơi vào “vòng xoáy” gian dối đó”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, song song với việc rà soát, kiểm tra chất lượng tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở đào tạo, cũng cần chế tài xử lý thật nghiêm minh.
“Để đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Nếu trường nào về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình dạy, các chỉ tiêu đào tạo không đảm bảo, nhiều lần vi phạm thì phải giải thể, không để tiếp tục như hiện nay, có quá nhiều cơ sở đào tạo nhưng chất lượng thấp. Phải làm nghiêm như vậy thì mới siết được chất lượng đào tạo” - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng cần nêu cao vai trò, trách nhiệm
Liên quan đến chất lượng tuyển sinh, đào tạo, Giáo sư, tiến sĩ Y khoa - Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) cũng bày tỏ: “Riêng với các trường đào tạo khối ngành y, dược, tôi cho rằng, cần nêu cao hơn nữa, vai trò, trách nhiệm của Bộ Y tế. Bởi, các cơ sở đào tạo sẽ cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho ngành y tế, Bộ Y tế không những chỉ quản lý chuyên môn mà còn phải quan tâm hơn nữa đến cách thức, hiệu quả đào tạo của các nhà trường. Nếu Bộ Y tế sát sao, sẽ không có chỗ cho các cơ sở đào tạo gian dối, để hàng loạt sinh viên y dược kém chất lượng ra trường”.
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang quản lý hơn 100 trường cao đẳng được cấp mã ngành đào tạo y dược, sức khỏe. Ngay tại thành phố Hà Nội, có nhiều trường hoặc cơ sở tuyển sinh, thực hành, đào tạo mang tên khá giống nhau như: Cao đẳng Y Hà Nội; Cao đẳng Y Dược Hà Nội; Cao đẳng Dược Hà Nội; Cao đẳng Kỹ thuật Y dược Hà Nội; Cao đẳng Y khoa Hà Nội; Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội; Cao đẳng Y dược Pasteur; Cao đẳng Y - Dược ASEAN, Cao đẳng Y dược Cộng đồng...
Ngoài ra, rất nhiều trường cao đẳng có tên không liên quan nhưng vẫn được tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng khối ngành y dược, sức khỏe như: Cao đẳng Lê Quý Đôn, Cao đẳng Công thương Việt Nam, Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội…
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về lùm xùm tại một số trường cao đẳng đào tạo khối ngành này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập đoàn thanh tra để tiến hành kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường có liên quan. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng điều tra đồng thời thanh tra toàn diện đối với hơn 100 trường cao đẳng được cấp mã ngành đào tạo y dược, sức khỏe.