Đưa cây trồng chất lượng cao vào sản xuất vụ đông
Vụ đông 2023-2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 47.000 ha trở lên. Cùng với việc nỗ lực hoàn thành mục tiêu gieo trồng, để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, các địa phương đã giảm dần diện tích sản xuất các loại cây trồng truyền thống, thay thế bằng các cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật...
Dưa chuột là một trong những cây trồng chất lượng cao được người dân xã Phú Lộc (Hậu Lộc) đưa vào sản xuất trong vụ đông.
Nếu như trước đây, người dân huyện Hoằng Hóa chỉ trồng một số loại cây truyền thống thì vụ đông nhiều năm nay các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được chú trọng đưa vào canh tác và không ngừng mở rộng diện tích, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, như ớt, khoai tây, bí xanh, các loại rau gia vị, cà chua...
Vụ đông năm 2023, bên cạnh những loại cây trồng truyền thống, xã Hoằng Lưu đã mở rộng diện tích 3 loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao là bí đỏ, bí xanh, khoai tây. Do đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên hàng năm người dân trên địa bàn xã luôn chủ động trong việc gieo trồng, chọn giống, làm giàn... áp dụng kỹ thuật vào canh tác để cây cho năng suất, chất lượng quả cao.
Ông Lê Hồng Phượng, một trong những hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất cây bí xanh ở xã Hoằng Lưu, cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thường trồng ngô vào vụ đông. Những năm gần đây, được sự định hướng, hỗ trợ của xã, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng bí xanh. Trồng bí xanh tuy vất vả thời gian đầu do phải thường xuyên kiểm tra phòng trừ một số loài côn trùng, sâu bệnh, nhưng lại có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với các loại cây trồng truyền thống”. Hiện nay, cây bí xanh đã trở thành loại cây được nhiều hộ dân trên địa bàn xã lựa chọn gieo trồng trong vụ đông, góp phần hình thành vùng sản xuất bí xanh tập trung với năng suất đạt từ 14 tấn/ha trở lên. Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu cho biết: "Vụ đông nhiều năm nay, xã luôn chú trọng tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích sản xuất các loại cây trồng này đều có hợp đồng ký bao tiêu sản phẩm với HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Lưu và các doanh nghiệp nên người dân yên tâm sản xuất".
Tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc), vụ đông tiếp tục được xác định là vụ sản xuất chính trong năm với sự phong phú đa dạng về chủng loại cây trồng. Với khoảng 200 ha cây trồng vụ đông, xã Phú Lộc đã tập trung vào một số cây trồng chủ lực, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như ớt, rau cải chân vịt, đậu tương rau, dưa chuột, một số loại rau, củ được thị trường ưa chuộng như cải, cà chua, súp lơ... Tuy nhiên, để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất các loại cây trồng mới, xã đã tổ chức tuyên truyền, định hướng các loại cây trồng có chất lượng cao và phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác phục vụ sản xuất, chủ động đảm bảo cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...
Theo bà Ngọ Thị Lanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc: "Bên cạnh một số loại cây truyền thống đã được gieo trồng nhiều năm như ngô, lạc... thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như đậu tương rau, ớt xuất khẩu, khoai tây, cải bó xôi... Bên cạnh đó, khuyến cáo quy mô sản xuất từng loại cây trồng, bố trí rải vụ phù hợp để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa sản phẩm trong thời gian chính vụ... Huyện cũng tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sản xuất, sơ chế và bảo quản nông sản; ứng dụng quy trình tưới nước tiết kiệm...
Vụ đông 2023-2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 47.000 ha trở lên. Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, ngành nông nghiệp khuyến khích các địa phương đa dạng hóa các nhóm cây, nhất là chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng vừa thừa vừa thiếu. Nhóm cây trồng chủ lực gồm: Ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô và rau được xem như cây chủ lực trong cả vụ đông, phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất thức ăn xanh cho bò sữa, bò thịt, cây rau phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống. Đồng thời, mở rộng diện tích các đối tượng cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa như khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, hành tỏi, các loại hoa... gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng, đáp ứng yêu cầu thị trường.