Đưa chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh cùng phòng dân tộc các huyện, thành phố đã tích cực đưa các chương trình, đề án, dự án chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đến với từng làng dân tộc và cá nhân trong cộng đồng.

Ông Chu Văn Chan (ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) bên vườn cây ăn trái được chăm sóc từ vốn vay của chương trình cho vay tạo việc làm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: S.Thao

Ông Chu Văn Chan (ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) bên vườn cây ăn trái được chăm sóc từ vốn vay của chương trình cho vay tạo việc làm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: S.Thao

Điều này đã góp phần giúp người dân nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào, đảm bảo đồng bào DTTS được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.

* Quan tâm, động viên người có uy tín

Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dành cho 203 người.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, để việc nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS diễn ra thuận lợi, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ mỗi người lập tài khoản ngân hàng. Mỗi tháng ngân sách nhà nước chi hỗ trợ cho người uy tín số tiền 162,4 triệu đồng.

Người có uy tín trong đồng bào DTTS Chơro xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) Nguyễn Văn Long cho hay, số tiền được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng vừa là sự động viên về mặt tinh thần vừa giúp ông phụ thêm tiền xăng xe, điện thoại mỗi khi đi hội họp hay giải quyết công việc trong cộng đồng.

Cũng theo ông Long: “Quan trọng nhất là đồng bào thấy được Nhà nước có chế độ quan tâm, lo cho người có uy tín. Khi có sự việc khúc mắc, bà con chọn cách liên hệ để nói chuyện của mình với người có uy tín. Người uy tín trở thành chỗ lắng nghe, bước đầu khuyên nhủ bà con bình tĩnh với vướng mắc đang gặp phải. Sau đó, người có uy tín truyền đạt lại cho chính quyền và theo dõi kết quả báo lại cho bà con”.

Nhiều năm nay, tỉnh còn thực hiện chế độ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho người có uy tín trong đồng bào DTTS. Người có uy tín trong cộng đồng người Hoa tại P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) Lý Nàm Sáng chia sẻ, số tiền để mua thẻ BHYT không quá lớn nhưng việc được Nhà nước công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS và có chế độ chăm lo lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì vậy, khi tỉnh thực hiện chính sách mua và cấp thẻ BHYT cho người có uy tín trong đồng bào DTTS khiến ai cũng vui.

Bên cạnh đó, các hoạt động thăm hỏi nhân dịp lễ, tết đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS được Ban Dân tộc tỉnh, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, cơ quan đơn vị thực hiện đều đặn hàng năm. Ngoài ra, để kịp thời cung cấp nguồn thông tin chính thống, tài liệu cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, mỗi năm, Ban Dân tộc tỉnh đã cấp trên 93 ngàn tờ Báo Đồng Nai, Báo Dân tộc và phát triển đến với người có uy tín trong đồng bào DTTS.

* Hỗ trợ đồng bào tiếp cận chính sách

Thông qua nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, đồng bào nằm trong nhóm hơn 700 hộ nghèo hiện nay cũng như các gia đình cận nghèo, hộ khó khăn đã được tiếp cận với vốn vay chính sách để tự tạo việc làm.

Ông Chu Văn Chan (dân tộc Hoa, xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) cho hay, thông qua đoàn thể của ấp, Tổ Tiết kiệm và vay vốn, gia đình ông được vay 100 triệu đồng. Số tiền này được gia đình sử dụng để nuôi cá, cải tạo lại vườn cây ăn trái. Sau hơn 4 năm sử dụng vốn vay, vườn cây ăn trái đã cho thu hoạch và tới đây ông sẽ hoàn trả được số tiền vay.

Riêng chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em đồng bào DTTS được thực hiện đến từng gia đình, với mỗi trẻ em trong độ tuổi đến trường. Theo đó, trẻ em sau khi hoàn thành chương trình tiểu học hay THCS sẽ tiếp tục đến học các trường dân tộc nội trú của huyện, tỉnh, trường có chế độ dành cho học sinh dân DTTS học nội trú.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Đồng Nai đang duy trì chính sách hỗ trợ tết đối với sinh viên là DTTS đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Với những học sinh, sinh viên tiêu biểu, định kỳ tỉnh còn tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng học sinh, sinh viên là người DTTS đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Điều này đã kịp thời động viên con em trong đồng bào cố gắng học tập vì học giỏi, học càng lên cao thì nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước.

Song song với 2 chính sách kể trên thì bảo tồn văn hóa trong vùng đồng bào DTTS là một trong những hoạt động đem lại hiệu quả tích cực. Tỉnh hiện có 14 nhà văn hóa DTTS. Không chỉ xây nên phần “vỏ” mà Nhà nước còn hỗ trợ phần “ruột” khi cấp kinh phí mua sắm nhiều loại nhạc cụ truyền thống, các vật dụng trong sinh hoạt, lao động, sản xuất của đồng bào rồi sắp xếp không gian trưng bày bên trong từng nhà văn hóa DTTS; đồng thời, hỗ trợ từng cộng đồng tổ chức các lễ hội truyền thống.

Đồng Nai hiện có 24 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành theo Quyết định 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, tỉnh có 56 ấp mà đồng bào DTTS chiếm từ 50% dân số trở lên.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202305/dua-chinh-sach-den-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3167410/