Đưa chính sách người có công hướng về cơ sở

Giai đoạn 2013 - 2020, huyện Vĩnh Linh thụ lý, chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TBXH) xem xét giải quyết khoảng 1.350 hồ sơ người có công, thân nhân của người có công và đã có trên 1.290 đối tượng được công nhận người có công với cách mạng. Trưởng Phòng LĐ,TBXH huyện Vĩnh Linh Nguyễn Ái Tân cho biết, để thực hiện tốt chế độ cho các đối tượng chính sách, địa phương có nhiều giải pháp, cách làm đồng bộ, cụ thể. Trong đó phải kể đến việc tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người có công ở cơ sở.

 Chi trả chế độ cho người có công với cách mạng ở huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.T

Chi trả chế độ cho người có công với cách mạng ở huyện Vĩnh Linh - Ảnh: N.T

Cuối tháng 11/2020, Phòng LĐ,TBXH huyện Vĩnh Linh phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức hội nghị phổ biến, đối thoại chính sách ưu đãi người có công và bảo trợ xã hội tại xã Vĩnh Thái thu hút sự tham gia của khoảng 260 cán bộ, đảng viên, người có công cùng thân nhân. Tại hội nghị, sau khi được phổ biến, tuyên truyền về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách bảo trợ xã hội, người có công cùng thân nhân, người dân xã Vĩnh Thái đã có trên 30 lượt ý kiến. Tập trung vào các thủ tục, hồ sơ về người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hồ sơ đề nghị thương binh, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công… Sau hơn 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn xã Vĩnh Thái có khoảng 245 liệt sĩ, gần 20 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 80 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh... Chính quyền địa phương luôn quan tâm, bảo đảm giải quyết thấu đáo các chính sách người có công với cách mạng. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng tại xã Vĩnh Thái vẫn còn tồn tại ở một số trường hợp không còn giấy tờ gốc; thiếu căn cứ xác định đối tượng hoạt động cách mạng… gây khó khăn trong việc giải quyết chế độ. Tại hội nghị, phần lớn những thắc mắc, phản ánh của người dân đều được lãnh đạo Phòng LĐ,TBXH huyện Vĩnh Linh cùng các cấp, ngành liên quan trực tiếp trao đổi, giải thích cặn kẽ, rõ ràng, nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao từ Nhân dân.

Trước đó, Phòng LĐ,TBXH huyện Vĩnh Linh cũng đã đối thoại chính sách ưu đãi người có công tại xã Kim Thạch và gặp gỡ, kiểm tra công tác chính sách tại các đơn vị Vĩnh Khê, Vĩnh Chấp, Vĩnh Ô… Qua các hoạt động này đã ghi nhận hàng chục lượt ý kiến, kiến nghị về các vấn đề như chế độ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; chế độ đối với thân nhân liệt sĩ; chính sách đối với dân công hỏa tuyến; hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; trình tự thủ tục giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi người có công… Tất cả những vấn đề này được lãnh đạo, chuyên viên các cấp, ngành thuộc huyện Vĩnh Linh nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận, giải trình chi tiết, đầy đủ. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể để người có công cùng thân nhân hiểu rõ, hoàn thiện các loại hồ sơ, thủ tục hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Riêng những nội dung chưa thể giải trình sẽ tổng hợp, xin ý kiến của cấp trên và trả lời cho người dân bằng văn bản.

“Từ hoạt động đối thoại, các cấp, ngành kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đánh giá lại tình hình, phát hiện những tồn tại, hạn chế trong triển khai chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với người có công tại mỗi địa phương. Sau đối thoại, Phòng LĐ,TBXH huyện Vĩnh Linh tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra riêng từng xã, thị trấn để rà soát lại đối tượng, chế độ. Tiếp đó, báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm chế độ chính sách cho các đối tượng”, ông Nguyễn Ái Tân cho biết thêm.

Nhờ những nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp sâu sát, hiệu quả, giai đoạn 2013 - 2020, toàn huyện Vĩnh Linh có trên 1.290 đối tượng đã được công nhận người có công với cách mạng. Trong đó có trên 485 mẹ được công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; khoảng 495 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 250 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; khoảng 15 người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; trên 10 liệt sĩ, thương binh, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động… Thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục tăng cường gặp gỡ, đối thoại đối tượng chính sách, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật về ưu đãi người có công. Từ đó làm tốt hơn nữa việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, góp sức cùng Đảng, Nhà nước đảm bảo ổn định, không ngừng nâng cao đời sống cho các đối tượng có công với cách mạng.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=154495