Đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống - 10 năm nhìn lại

Ngày 20/6/2012, Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, làm chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Sau 10 năm triển khai thực hiện luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tập trung tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống

Theo đồng chí Lê Thị Thúy Vi - Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Sóc Trăng, để quán triệt và phổ biến kịp thời luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến các đối tượng liên quan, ngày 22/11/2012, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, UBND tỉnh quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện luật và các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động tham mưu hoặc ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và tổ chức thực hiện để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao đúng thời gian quy định.

Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức trong thời gian qua. Ảnh: KIM NGỌC

Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức trong thời gian qua. Ảnh: KIM NGỌC

Qua 10 năm thực hiện, các cấp, các ngành đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào 7 nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức; lực lượng vũ trang; lực lượng đoàn thể; học sinh, sinh viên; các chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc; người lao động, người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở với nội dung đa dạng, phong phú. Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống nhân dân gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực. Đặc biệt là tuyên truyền về cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến nhiều đối tượng, như: Luật Đất đai năm 2013; Luật Tiếp công dân; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khiếu nại… Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng công tác triển khai luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua; các sự kiện chính trị; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như tín dụng đen, hụi, biêu, phường, công tác phòng, xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực, khiếu nại, tố cáo... Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; in và cấp phát miễn phí sổ tay pháp luật công ước quốc tế về quyền và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức; Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

Lồng ghép tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức

Cũng theo Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Sóc Trăng Lê Thị Thúy Vi, qua 10 năm triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các nội dung pháp luật tập trung tuyên truyền đã bám sát theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục hàng năm của UBND tỉnh với hình thức đa dạng, phong phú, được thực hiện thường xuyên và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Cụ thể, thời gian qua, tỉnh tập huấn và tuyên truyền miệng, đây là một hình thức tuyên truyền có chất lượng và chiếm ưu thế hơn các hình thức khác. Theo thống kê, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương đã tổ chức 123.478 cuộc hội nghị tập huấn, cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ước tính có trên 5 triệu lượt người nghe và xem, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Trong 10 năm, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương biên soạn, cấp phát trên 1,2 triệu bộ tài liệu các loại; trên 980.000 tờ rơi, tờ bướm, tờ gấp về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực. Đặc biệt là tuyên truyền về Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến nhiều đối tượng, như: Luật Đất đai năm 2013; Luật Tiếp công dân; Luật Xử lý vi phạm hành chính... Ngoài ra, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi như: Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2014, cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2016, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông... Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong năm 2021, 2022, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật”. Cuộc thi đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, lực lượng công an nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân và người dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng được tỉnh Sóc Trăng tăng cường và chú trọng thực hiện. Theo đó, Sở Tư pháp đã xây dựng Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, kết quả đã đăng tải 1.406 tin, bài với 2,6 triệu lượt người tiếp cận.

Đồng chí Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Theo đó, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về trách nhiệm triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị, địa phương; tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

Trong bối cảnh xã hội ngày một phát triển, đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhiều, thường xuyên phải điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống, tăng cường nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đưa pháp luật đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/dua-chinh-sach-phap-luat-vao-cuoc-song-10-nam-nhin-lai-61089.html