Đùa chơi với thế thời

Đọc liền mạch hai tập thơ 'Lục bát đùa chơi' - 'Lục bát thế thời' (NXB Hội Nhà Văn - 2021 của Lê Tiến Vượng thật thú vị, vẫn là lục bát đậm chất mượt mà đằm thắm anh đã thổi vào đó luồng gió mới lạ, sắc sảo, mạch lạc làm nên một phong cách riêng.

Lê Tiến Vượng và tập thơ.

Lê Tiến Vượng và tập thơ.

Tập Thơ Lục bát thế thời, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ như những mảnh ghép để tạo nên bức tranh toàn cảnh của xã hội: “Thế thời, thời thế em ơi/ Bao nhiêu nốt nhạc không lời… mà đau.” (Thế thời - tr11). Cuộc sống đương đại trong thơ Lê Tiến Vượng như bao nhiêu nốt nhạc không lời, vui có, buồn cũng có, cái buồn như một tiếng thở dài với biết bao cảm xúc đầy vơi, thơ anh như bức tranh vẽ bằng ngôn ngữ và cảm xúc của thơ với nhiều họa tiết độc đáo. Nhiều bài của Lê Tiến Vượng trăn trở với sự đổi thay sự hòa trộn quá nhanh đến nỗi như khập khiễng, sự hoài niệm tạo nên giọng điệu thơ độc đáo “Làng tao hóa phố rồi mày/ Chung cư cao vút mây bay tận giường” (Làng Tao -tr16). Bằng hàng loạt những câu hỏi tu từ dồn dập cứ tự bật ra như chất của đồng dao mỗi câu là sự bộc bạch nỗi niềm, hỏi ai hay hỏi chính mình: “Về quê ai ruộng mà trâu/ Ai khoai mà sắn, ai nâu mà bùn…/…ai võng mà đưa/Ai ao mà tắm, ai hồ mà câu…/ Sân đình ai trống mà chèo/ Ai quan mà họ, ai theo mà đừng… (Quê giờ - tr18). Đại từ “ai” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài thơ như một sự trăn trở bất lực. Tác giả kết thúc bài thơ “Ai rên mà xiết, ai trời mà đau”. Một nỗi buồn man mác.

Con người trong bức tranh quê đã đổi thay thật rồi “Đồng không, chả bóng ai cày/ Chí Phèo, Thị Nở tung bay phố phường… Thị Nở chả bát cháo hành/ Vẫn bao Thị Nở bẻ cành trao hoa” (Tưởng - tr31).

Một hình tượng dân gian khác, “Mẹ Đốp” cũng là nét chấm phá phát hiện đầy nhạy cảm: “Quan ngồi tứ phía lòng vòng/Một mình mẹ Đốp đánh mông mời trầu”.

Từ ngàn xưa, đình chùa là chốn linh từ để người người hướng thiện nay bỗng dưng “Linh thiêng giờ hóa tầm phào/ Mỗi năm ngàn tỷ ném vào hư vô”; “Vùng cao trường toác toàng toang/ Dưới xuôi đền phủ to đoàng khắp nơi”(Bông đùa thế gian-tr91). Trong một góc nhìn khác, vấn nạn sống ảo tràn lan, thật và giả bẽ bàng“Trên face thì đẹp long lanh/ Sao ngoài em cứ mọc nanh thế này” (Chiêm bao - tr98).

Hai tập thơ của Lê Tiến Vượng.

Hai tập thơ của Lê Tiến Vượng.

“Lục bát đùa chơi” và “Lục bát thế thời” của họa sĩ nhà thơ Lê Tiến Vượng như một cặp song sinh hoàn hảo. Thơ anh phản ánh con người anh: sâu sắc, hài hước nhẹ nhàng, quyết liệt thẳng thắn.

Trong cái “thế thời” ta vẫn nhận ra một mảng sáng lấp lánh trong thơ anh đó là tình yêu thương mẹ cha, vợ con và những người “đồng chí”. Bao trùm là tình yêu quê hương, yêu và hoài niệm về cảnh sắc thanh bình, con người nền nã thủy chung, truyền thống tốt đẹp, thấm đẫm nét văn hóa Việt.

Thơ lục bát của Lê Tiến Vượng gần gũi, truyền cảm cho cuộc sống đương đại. Trong anh đã có sẵn một kho từ vựng phong phú và vận hành con chữ linh hoạt, nên có cảm giác thơ như lời anh nói, anh nói như làm thơ. Nét độc đáo trong thơ Lê Tiến Vượng là câu chữ tưng tửng nhưng rất có hồn, hòa hợp đan xen giữa cũ và mới, xưa và nay, có tình có lý, phê phán sâu cay nhưng nhẹ nhàng khúc triết. Cách sử dụng từ trong thơ anh có chỗ độc đáo “Ca rao 4.0”, cố tình viết “rao” tạo trường liên tưởng mới. Anh mượn từ đồng âm để tạo sự hài hước “Ta ngồi lục bát đêm đêm/…Ta ngồi lục bát lục nồi/ Lục nong bánh đúc, lục xôi em vò”.

Hà Nội, ngày 20/2/2023

Nguyễn Thanh Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dua-choi-voi-the-thoi-post1513080.tpo