Đưa con 6 tháng tuổi 'đi bụi' và câu chuyện xúc động của ông bố 'kỳ lạ'
Nhiều người gọi anh là ông bố can đảm và mạo hiểm nhưng anh có lý của anh khi dám 'tha' con 'đi bụi' từ khi con chỉ mới 6 tháng tuổi.
Ông bố trẻ Cao Mạnh Tuấn 42 tuổi, từng là phóng viên, biên tập viên của nhiều tờ báo và Đài truyền hình. Giờ đây, anh đơn giản gọi công việc của mình là “ở nhà trông con”. Anh nói, anh “bỏ việc” vì quá nghiện con. 2 đứa trẻ con anh Tuấn, Dê năm nay 5 tuổi, Bu tới giờ mới được 9 tháng nhưng đã được cùng cha mẹ đi khắp mọi nơi theo một cách đặc biệt.
Trên tài khoản mạng xã hội, anh khoe ngập tràn những khoảnh khắc của con ở nhiều vùng đất mới. Ai xem cũng choáng váng, ngạc nhiên khi thấy cô con gái 9 tháng tuổi của anh vi vu trên chiếc cano lướt sóng cùng bố, ngưỡng mộ trước khoảnh khắc cậu con trai 5 tuổi của anh đang khám phá những loài vật ban đêm trên một đảo hoang. Rồi những tấm ảnh đầy cảm xúc khi cả gia đình anh khám phá một dòng suối trong rừng sâu, leo một ngọn đồi hay thả mình trên những bãi biển hoang vắng… cũng khiến người xem thích thú nhưng dè chừng.
Nhiều bậc cha mẹ ngưỡng mộ nhưng không khỏi lo lắng khi thấy những khoảnh khắc ấy, bởi với quan niệm chung của nhiều người, đó là những trải nghiệm thực sự mạo hiểm. Nhưng với anh, đó không chỉ là một cách dạy con tùy hứng bất chợt mà xuất phát từ những sự đắn đo, trăn trở và còn cả từ những nỗi đau quá lớn…
10 năm trước, bé Mèo cô con gái đầu lòng của anh chào đời trong niềm tự hào và hạnh phúc của 2 vợ chồng. Nhưng rồi, đột ngột mọi thứ tối sầm khi sau một cơn sốt bất thường, bé Mèo được chẩn đoán mắc chứng bệnh Down cùng với nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Trải qua các cuộc xét nghiệm, vợ chồng anh Tuấn suy sụp hoàn toàn khi nghe tin con gái bị căn bệnh ung thư quái ác. Sau hành trình dài chiến đấu giành giật từng ngày sống cho con, sự ra đi của bé Mèo khiến vợ chồng anh như gục ngã.
5 năm sau đó, bé Dê chào đời nhưng nỗi đau trong quá khứ vẫn không thôi ám ảnh và đeo đẳng anh. Với nỗi lo sợ quá khứ, anh thực hiện tất cả những xét nghiệm cho con để yên tâm rằng con hoàn toàn khỏe mạnh.
Nhưng rồi anh chợt nhận ra: “Hóa ra cuộc sống vốn vô thường. Có sống có chết và đôi lúc chúng ta chết chẳng vì lý do gì. Hoặc vì những lý do không kiểm soát được. Vậy cứ tìm hiểu và khám phá đi…”.
“Những đứa trẻ đến với cuộc đời là để sống cuộc đời của chính nó, chứ không phải là công cụ thực hiện khao khát của chúng ta”, anh quan niệm.
Với anh, nhiệm vụ của bố mẹ ấy là tìm ra và hỗ trợ phát triển con người tự thân tốt đẹp của chúng, giúp chúng thích ứng với xã hội tương lai, chứ không phải gò khuôn chúng.
Bởi vậy, anh chọn cuộc sống trải nghiệm cho con. Nghe thì đơn giản nhưng đằng sau quyết định ấy là những điều mà chắc hẳn không nhiều bố mẹ dám thực hiện.
6 tháng tuổi, bé Dê đã được bố cho trải nghiệm chuyến đi đầu đời. Rồi đều đặn, tháng đôi lần anh lại đưa con đi khám phá những miền đất mới, vì thế du lịch bụi như trở thành một phần cuộc sống của bé Dê.
Anh Tuấn hào hứng kể về chuyến đi ngắm cá heo ở tận Maldives lúc con mới 3 tuổi. Có lần, bé Dê cùng gia đình khám phá Đảo Gội ở Quảng Ninh, rồi sau đó là những chuyến khám phá rừng sâu, đảo hoang khác lần lượt nối nhau dài ra.
Chia sẻ về chuyến đi của con trai tới Đảo Gội, anh Tuấn hào hứng kể: “Đây thực sự là một thử thách với con. Một hòn đảo hoang. Muỗi dĩn đốt tưng bừng. Phải đi xuyên rừng mới tới bãi biển. Nhưng Dê được tự chơi, tự lao ra biển, kết bạn, khám phá các ngóc ngách... Và con dù vẫn khóc lóc đòi bế nhưng chắc chắn con đã học được nhiều điều trong chuyến đi này”.
Từ niềm đam mê của bố, bé Dê được tham gia các hoạt động bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường, khi thì Mộc Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, lúc lại ra Phú Quốc, Côn Đảo. Tới giờ hơn 5 tuổi, Dê đã là cậu bé có thâm niên trong làng du lịch bụi.
Với bé Dê là vậy, còn cô bé Bu mới 9 tháng tuổi nhưng cũng đã được bố “vác” đi khắp đây đó trong những chuyến du lịch bụi. Thậm chí bé Bu còn bị nhầm là cư dân ở Côn Đảo vì suốt 2 tháng cô bé đã cùng bố mẹ lăn lê khắp bãi biển ở đây. Đó là chuyến đi kéo dài hơn dự định vì đúng đợt dịch COVID-19 bùng phát.
Những ngày dài trên Côn Đảo bé Bu mới vài tháng tuổi nhưng đã cùng bố mẹ đi tắm biển, bắt ốc, ngắm cá, lăn lê khắp các bãi biển tới rám nắng. Suốt 2 tháng ấy, con ăn uống, nghỉ ngơi như những cư dân trên đảo và tuyệt nhiên chẳng hề phải uống 1 viên thuốc.
Nói về sự cam đảm của mình khi để con trải nghiệm đầy mạo hiểm, anh nói, nếu theo dõi sẽ thấy trẻ nhỏ chúng rất thích động vật, thích khám phá. Mình không cho chúng tìm hiểu điều đó chính là cản trở sự phát triển của chúng. Qua đó chúng học được rất nhiều điều thực tế hơn sách vở. Thông qua các hoạt động này, những đứa trẻ có thể thực hành khả năng đánh giá mức độ rủi ro. Chúng sẽ tự học được những gì an toàn và những gì không an toàn. Chúng có thể tự đưa ra các đánh giá một cách nhanh chóng. Việc chơi ngoài trời ở nơi có yếu tố rủi ro mang đến một môi trường độc đáo, cho trẻ biết cách hoạt động của thế giới, học cách làm việc và hợp tác với người khác và tìm giải pháp sáng tạo trong các vấn đề.
Trong suốt quãng đường đi, anh nhận ra rằng những đứa trẻ của mình thông minh và giàu năng lượng, thích khám phá hơn nhiều so với sự tưởng tượng của anh. Sống ở những nơi xa lạ, anh phát hiện ra sự thích nghi rất nhanh cùng khả năng hiểu chuyện ở con mà trước giờ anh chưa phát hiện ra.
Trong suốt những chuyến du lịch bụi cùng con, anh Tuấn còn thay vợ làm hết những công việc chăm con. Mọi người thường có quan niệm con cái phải có mẹ bên cạnh, nhưng anh Tuấn không muốn làm một người bố lạnh nhạt. Anh trở thành một người bạn thân của con, thậm chí con còn quấn anh hơn cả mẹ. Trong mỗi chuyến đi hay thậm chí là cả cuộc sống thường ngày anh đảm nhiệm công việc trông con, cho con ăn, thay tã cho con, cho con uống sữa,…
Cũng chính vì được trải nghiệm sự cực khổ của việc làm mẹ nên anh học được cách thông cảm với vợ, còn giữa anh và con gái đã hình thành nên một sự liên kết đặc biệt, một tình bạn vững chắc. Mỗi chuyến đi cũng vì thế trở thành những ký ức tuyệt vời mà cả gia đình mãi mãi không bao giờ quên.
Anh kể lại, cũng có lúc anh lo lắng khi cậu con đi chơi nắng quá nhiều ban đêm bị sốt. Nhưng vợ chồng anh cứ thức trông cả đêm, hết sốt hôm sau lại chơi, sốt lại tìm cách hạ. Nhưng về cơ bản, anh thấy rằng, những đứa trẻ thật sự nhiều năng lượng hơn cha mẹ chúng nghĩ.
Đến giờ, anh Tuấn thật sự không thể nhớ nổi, 2 bé đã có bao nhiêu chuyến du lịch. Chỉ biết rằng, những chuyến đi đã ngấm vào máu những đứa trẻ, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cả gia đình.
“Mình quan niệm, bản thân thích lấy thực tế làm kiến thức, sau đó đi học tự khắc sẽ hiểu và biết những gì ngoài kia. Mình chỉ biết, thế giới này sẽ còn thay đổi rất nhiều. Và con người cần thích ứng. Tri thức đều đã có sẵn. Mình chọn thích ứng. Với nói thật, ai cũng giỏi thì đó là điều không thể xảy ra. Phải có người giỏi và người bình thường. Có người làm giám đốc, lãnh đạo, thì phải có nhân viên, phục vụ. Vì vậy, hãy để con được là chính mình" - Anh Tuấn chia sẻ.