Đưa con chữ đến với người dân biên giới

'Trong nhiều năm qua, các đồng chí thầy giáo quân hàm xanh đã dạy rất nhiều lớp xóa mù chữ (XMC), được bà con tín nhiệm, tin yêu. Các thầy giáo quân hàm xanh đã có những đóng góp rất quan trọng, thiết thực trong công tác XMC, nâng cao dân trí ở khu vực biên giới'. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La khi trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng về những đóng góp của BĐBP Sơn La trong công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới Tây Bắc Tổ quốc.

- Thưa ông, mới đây, ông đã tới dự khai giảng lớp XMC do các thầy giáo quân hàm xanh đứng lớp ở bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, cảm xúc của ông lúc đó như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Chiến. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Nguyễn Văn Chiến. Ảnh: Bích Nguyên

- Với cá nhân tôi, đó là buổi khai giảng rất ấn tượng, bà con đến lớp với tâm trạng rất phấn khởi, háo hức và khao khát được biết cái chữ. Thực tế, hằng năm, chúng tôi rất quan tâm vận động các đối tượng là người mù chữ đi học để thực hiện được mục tiêu không còn người mù chữ trên địa bàn tỉnh, nhưng ở một số nơi, việc tổ chức thực hiện khá khó khăn vì học viên ở rải rác, để tổ chức một lớp học có khi ở một bản chỉ có vài người theo học.

Thêm vào đó, đối tượng XMC chủ yếu là lứa tuổi thanh niên, họ là lực lượng lao động chính trong gia đình. Vì vậy, vận động họ đi học XMC rất khó khăn. Tuy nhiên, ở Phá Thóng, việc này rất thuận lợi, bà con mong muốn được học chữ. Bà con còn nói vui với tôi là thầy giáo quân hàm xanh dạy rất dễ hiểu.

- Ông có thể cho biết, đến nay, BĐBP Sơn La đã phối hợp với ngành giáo dục Sơn La và chính quyền các xã biên giới tổ chức được bao nhiêu lớp XMC như ở Phá Thóng?

- Thời gian qua, BĐBP Sơn La đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc phối hợp với ngành Giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tổ chức nhiều loại hình lớp học để phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trong độ tuổi được đến lớp, mở được nhiều lớp dạy XMC cho nhiều đối tượng, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến nay, các Đồn Biên phòng Mường Lạn, Mường Lèo, Nậm Lạnh thuộc BĐBP Sơn La đã phối hợp với ngành Giáo dục mở được 24 lớp học XMC với 422 học viên. Qua kiểm tra, nghiệm thu đánh giá, kết quả, các học viên đều biết đọc, biết viết, biết tính các phép tính đơn giản, đạt được các kỹ năng theo chuẩn chương trình XMC. Hiện tại, các Đồn Biên phòng Mường Lèo, Nậm Lạnh và Mường Lạn đang tiếp tục giảng dạy 6 lớp XMC cho 200 học viên.

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La và Sở Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là trong triển khai công tác XMC?

- Tôi cho rằng, việc thực hiện chương trình phối hợp giữa hai đơn vị đạt hiệu quả khá cao. Do đặc thù công việc, giáo viên ở cấp tiểu học chủ yếu là các cô giáo, có gia đình, ở vùng xa, có thể lên lớp 1 buổi rồi lại phải về lo cho gia đình. Trong khi đó, các đồng chí BĐBP có nhiều thuận lợi vì “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con nhân dân nên nắm rõ, sâu sát hơn tình hình địa bàn. Tuy nhiên, thầy giáo quân hàm xanh cũng có hạn chế là không được đào tạo ngành sư phạm, không có nghiệp vụ sư phạm.

Khắc phục hạn chế này, từ nhiều năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ Biên phòng tham gia giảng dạy XMC. Qua quá trình triển khai thực hiện, có nhiều thầy giáo đã phát huy được khả năng, có tố chất sư phạm và đã được thực tiễn chứng minh.

Cùng với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, hiệu quả của việc lên lớp của các thầy giáo quân hàm xanh nhiều khi còn cao hơn các thầy cô giáo chính quy. Chính vì thế, qua hoạt động sơ kết, đánh giá, chúng tôi trân trọng, đánh giá cao khả năng cũng như những đóng góp của các thầy giáo quân hàm xanh trong công tác XMC.

Lớp XMC ở bản Phá Thóng do Thiếu tá Lò Văn Phích, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh trực tiếp giảng dạy. Ảnh: Bích Nguyên

Lớp XMC ở bản Phá Thóng do Thiếu tá Lò Văn Phích, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh trực tiếp giảng dạy. Ảnh: Bích Nguyên

Nhờ sự đóng góp của các thầy giáo quân hàm xanh, cùng sự nỗ lực của các thầy cô trong ngành giáo dục, hiện nay, Sơn La đã nâng tỉ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15-25 tuổi đạt gần 98%; trong độ tuổi 15-35 tuổi đạt hơn 96% và tỉ lệ người trong độ tuổi 15-60 tuổi biết chữ mức độ 2 lên 94,41%.

- Cùng với việc tổ chức các lớp XMC, BĐBP Sơn La còn nhận đỡ đầu và nuôi dưỡng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của hoạt động trên?

- Từ năm 2016 đến nay, BĐBP Sơn La đã đỡ đầu cho 86 cháu học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa từ cấp tiểu học đến hết lớp 12, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng học; trong đó, có 10 cháu được đưa về nuôi dạy trực tiếp tại các đồn Biên phòng. Ngoài ra, BĐBP Sơn La cũng rất tích cực vận động các tổ chức, cá nhân đồng hành, ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục của tỉnh.

Từ năm 2020-2021, BĐBP tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân ủng hộ xây dựng 13 phòng học, điểm trường cho học sinh, phòng ở công vụ cho giáo viên ở khu vực biên giới. Đây là những việc làm có ý nghĩa hết sức nhân văn, góp phần phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực tốt cho vùng biên giới.

- Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo và Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động gì để phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phát triển giáo dục vùng biên giới, thưa ông?

- Chúng tôi đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp giữa hai ngành và chỉ ra phương hướng phối hợp trong thời gian tới. Việc đầu tiên, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát số lượng đối tượng không biết chữ trên các địa bàn. Trên cơ sở đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động bà con đăng ký tham gia học tập tại các lớp XMC. Tiếp đó, phối hợp với các đồn Biên phòng mở các lớp XMC. Một hoạt động khác nữa là chúng tôi tiếp tục phối hợp với BĐBP, chính quyền các địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ cho công tác XMC, xây dựng xã hội học tập.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-con-chu-den-voi-nguoi-dan-bien-gioi-post450797.html