Đưa công chúng đến gần hơn với âm nhạc dân tộc
Gọi nghệ sĩ Hoàng Anh là một 'hiện tượng' của sáo trúc Việt chắc cũng không quá lời khi nhìn vào bề dày thành tích biểu diễn của nghệ sĩ 8x này. Những năm gần đây, anh còn được biết đến là người đầu tiên đưa bộ môn Sáo trúc lên các trang mạng học trực tuyến và hiện nay cộng đồng này đã có đến gần 4.000 thành viên.
Nhạc sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng: Âm nhạc là nguồn sống của cuộc đời
Đam mê nhạc dân tộc
Thoạt nghe tiếng sáo của nghệ sĩ Hoàng Anh, ai cũng nghĩ rằng chắc hẳn anh phải là người có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm ở nông thôn. Bởi lẽ, hình ảnh chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, thả hồn theo điệu sáo tha thiết, mượt mà đã đóng đinh trong tâm trí nhiều người. Thế nhưng khi được gặp và trò chuyện với nghệ sĩ Hoàng Anh, tôi thật sự bất ngờ khi anh lại là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Và càng bất ngờ hơn, trong đại gia đình anh có đến 5 người đang là giảng viên nhạc cụ truyền thống tại 2 trường đại học chuyên ngành âm nhạc hàng đầu của cả nước: Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Lý giải về điều này, nghệ sĩ Hoàng Anh cho biết, tình yêu với âm nhạc và các loại nhạc cụ truyền thống của đại gia đình là do ảnh hưởng từ cha của anh - một người từng có nhiều năm làm việc ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư rồi Bộ Khoa học - Công nghệ nhưng rất đam mê văn hóa nghệ thuật. Anh kể: Hồi mới 2, 3 tuổi, trong căn nhà nhỏ của anh luôn ngập tràn tiếng nhạc dân tộc, cũng vì thế mà nghệ thuật dân tộc dường như đã “ngấm” vào anh để rồi cùng với kiến thức về đàn bầu được cha dạy, anh đã tự tin thi vào hệ sơ cấp của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) khi mới 6 tuổi.
Tuy nhiên, khi vào trường, Hoàng Anh lại chuyển sang học sáo trúc. Đó cũng là cơ duyên khi anh gặp được người thầy và cũng là thần tượng của mình - NSƯT Triệu Tiến Vượng - để rồi tình yêu với âm nhạc dân tộc và cây sáo trúc lại được dịp hun đúc và bùng cháy đam mê. Chẳng thế mà chỉ sau vài năm học, anh đã liên tiếp giành được những giải thưởng lớn trong các cuộc thi uy tín ở trong và ngoài nước như: Giải A1 Cuộc thi Chúng em đàn và hát dân ca do Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội tổ chức năm 1993, Bằng khen và suất học bổng Tài năng trẻ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 1993, giải Đặc biệt Nhạc viện Hà Nội tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống lần thứ nhất năm 1998 (tại cuộc thi này, anh cũng giành được giải Nhì Sáo trúc - không có giải Nhất), giải Nhất Sáo trúc tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống lần thứ hai năm 2003, Huy chương Vàng Liên hoan Âm nhạc thế giới tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 2005...
Không những vậy, khi ngồi trên ghế nhà trường, anh còn được tham gia Liên hoan Âm nhạc quốc tế và biểu diễn nghệ thuật ở hàng chục quốc gia trên thế giới. “Hồi ấy, mỗi năm tôi đi biểu diễn nước ngoài 2 - 3 lần nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất là hầu hết các buổi biểu diễn đều rất thành công. Bạn bè quốc tế khi nghe âm nhạc dân tộc Việt Nam đều tỏ ra rất ngạc nhiên, thích thú, thậm chí họ còn tò mò xin phép nghệ sĩ được chơi thử loại nhạc cụ ấy và mong muốn được mua đĩa để nghe”.
Ngoài biểu diễn, Hoàng Anh còn tham gia sáng tác, trong đó được biết đến nhiều nhất là Chùm sáo các dân tộc Việt Nam - Ngày hội vùng biên được anh biểu diễn tại Kennedy Center (NewYork, Mỹ). Tác phẩm này đã được pha trộn nhiều loại sáo của các dân tộc Tày, Thái, Mông... kết hợp với giai điệu mới tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Có thể nói đây là tác phẩm đã thể hiện được tài năng của Hoàng Anh khi đảm nhiệm hai vai trò: Nhạc sĩ và nghệ sĩ.
Khi sự nghiệp biểu diễn sáo trúc đã vào độ “chín”, Hoàng Anh quyết định ra CD trong đó Tiếng sáo quê hương được biết đến nhiều hơn cả. Phần đầu của Tiếng sáo quê hương bao gồm các tác phẩm âm nhạc vừa mang tính bảo tồn vừa phát huy những tinh hoa của giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian) được chọn lọc có chủ định thông qua một số làn điệu chèo, ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên, dân ca Nam Bộ nổi tiếng... Phần hai, mang tính thời đại với những tác phẩm viết cho nhạc khí hiện đại mang hơi thở của sáng tạo, với các tác phẩm chuyển soạn và viết cho sáo trúc cùng dàn nhạc truyền thống như: Trên đường chiến thắng, Anh vẫn hành quân, Tiếng sáo trên nương, Tiếng gọi mùa xuân, Trăng sáng quê tôi…
Dạy sáo trúc qua mạng
Là một giảng viên Sáo trúc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hoàng Anh luôn đau đáu với việc đem kiến thức của bộ môn này đến với đông đảo học viên ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hơn nữa, trong thế giới công nghệ như hiện nay thì việc giảng dạy trực tuyến qua Internet cũng là một xu thế. “Nhiều năm giảng dạy sáo trúc và có cơ hội được đi nhiều nơi, tôi biết rằng rất nhiều bạn muốn học nhạc cụ này nhưng do chưa có cơ hội được tiếp cận, chưa được người hướng dẫn bài bản nên tôi đã quyết định xây dựng trang hocthoisao.vn từ năm 2017”, nghệ sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
Với trang web học trực tuyến này, anh đã thiết kế 8 khóa học và trên 100 bài giảng khác nhau. Sau 2 năm triển khai giảng dạy trực tuyến, lớp học của anh đã thu hút gần 4.000 thành viên theo học các khóa học từ cơ bản, dân gian đến hiện đại, quốc tế. Ngoài ra, anh cũng là người thường xuyên đưa những tiết mục biểu diễn sáo trúc lên kênh YouTube mang tên Sáo trúc Hoàng Anh Flute. Do nắm bắt được sở thích đa dạng của người nghe, anh đã biểu diễn nhiều dòng nhạc như quê hương, trẻ, quốc tế... và hiện đã có khoảng 400.000 người đăng ký. Còn trang Facebook, nhóm sáo do anh quản lý cũng có gần 15.000 thành viên.
Nghệ sĩ Hoàng Anh cho biết, hiện nay ở Việt Nam câu lạc bộ sáo trúc là nhiều nhất trong số các câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc và có thể nói đây là bộ môn dễ tiếp cận nhất. Đối với những tiết mục được đăng tải trên mạng anh rất chú trọng đến việc hòa âm phối khí mang hơi thở thời đại, có sự tiếp nối, pha trộn giữa cái mới và cái cũ để dễ dàng tiếp cận với người nghe. Theo anh, đây là cách để thu hút người nghe hướng về nhạc cụ dân tộc chứ không phải đi theo các nhu cầu thị hiếu người nghe mà làm mất bản sắc.
Chia sẻ kinh nghiệm học sáo, anh cho biết, quan trọng là hơi, lưỡi, môi và ngón. Anh nói: “Luyện hơi không khó, nhưng phải kiên trì và chịu khó. Thổi mấy chục giây xong nghỉ và các nốt ấy không được quá chênh lệch”. Cũng theo anh, để trở thành người nghệ sĩ sáo xuất sắc bắt buộc phải có năng khiếu, còn lại là sự khổ luyện. Thông thường mới đến với môn học này, mỗi ngày các học viên phải tập ít nhất 6 tiếng đồng hồ. Khi được hỏi về những trăn trở của mình với bộ môn này, nghệ sĩ trẻ mong muốn sáo trúc Việt sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn, phổ biến hơn và điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng sáng tác, chất lượng bài vở cho các học viên.
Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của nghệ sĩ Hoàng Anh mà nhiều học viên trên cả nước đã có thể tiếp cận để rồi thích thú và say mê với cây sáo trúc truyền thống của dân tộc. Đó cũng là cách để anh “kéo” công chúng đương đại và nhất là giới trẻ đến gần hơn với âm nhạc dân tộc trước sự du nhập và phát triển của nhiều dòng nhạc mới.
Nghệ sĩ Hoàng Anh (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh), sinh năm 1983 tại Hà Nội, quê gốc ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Anh hiện là giảng viên Sáo trúc, Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Trong sự nghiệp giảng dạy, anh đã được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích xuất sắc trong đào tạo học sinh Lê Thanh Xuân giành giải Nhất Cuộc thi Tài năng âm nhạc toàn quốc 2017.