Đưa công nghệ số vào chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp 'vượt ải' xuất khẩu
Một trong những 'cửa ải' khi xuất khẩu là cần đạt chuẩn các quy định khắt khe, thậm chí là chịu giám sát cửa khẩu, cam kết quản lý môi trường từ những thị trường khó tính. Để 'vượt ải' này, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần thúc đẩy triển khai công nghệ số nhằm đảm bảo tính minh bạch tối đa cho hoạt động của chuỗi cung ứng, cũng như để xác nhận và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong tháng 1/2024, EU đã đưa ra quy định mới về các biện pháp khẩn cấp và tạm thời đối với kiểm soát an toàn thực phẩm. Theo đó, một trong những mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là mì ăn liền với tần suất kiểm tra tương ứng là 20%.
Khuyến nghị cần lưu tâm
Câu hỏi đặt ra là để xuất khẩu (XK) vào EU thì các doanh nghiệp (DN) sản xuất mì ăn liền ở Việt Nam cần làm gì để “vượt ải” giám sát cửa khẩu này ?
Thực ra, từ hồi năm ngoái Bộ Công Thương đã khuyến cáo các DN sản xuất mì ăn liền phải duy trì tốt việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Nhất là cần kiểm soát tốt từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm trong quy trình sản xuất. Bản thân các DN xuất khẩu mì ăn liền lớn như Acecook, Vifon, CTCP Thực phẩm Á Châu…cũng đã cam kết kiểm soát tốt chuỗi cung ứng.
Bằng cách đưa công nghệ số vào sâu trong chuỗi cung ứng, cácDN Việt sẽ được trang bị tốt hơn để xác nhận vàđảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Để kiểm soát tốt việc này, giới chuyên gia lưu ý điều mà các DN cần làm là đưa công nghệ số vào sâu trong chuỗi cung ứng mì ăn liền. Và với các DN chế biến thực phẩm để phục vụ XK cũng vậy, theo ông Steven Chiu, một chuyên gia về tự động hóa, việc áp dụng công nghệ số như tự động hóa sẽ giúp DN Việt kiểm soát được “đường đi” từ đầu vào cho đến thành phẩm, cho phép truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch, giải quyết được thách thức từ các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm trên thị trường nhập khẩu.
Nên biết thêm, trong Sách trắng 2024 được Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào tháng 1/2024 có đưa ra một trong những khuyến nghị rất đáng để các DN Việt chú tâm nhằm đạt chuẩn XK vào EU. Đó là thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng.
Theo đó, EuroCham khuyến nghị các bên liên quan của Việt Nam thúc đẩy triển khai công nghệ kỹ thuật số để đảm bảo tính minh bạch tối đa cho hoạt động của chuỗi cung ứng. Các công nghệ này bao gồm hệ thống theo dõi thời gian thực để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, quy trình sản xuất và mạng lưới phân phối.
“Bằng cách này, DN Việt Nam sẽ được trang bị tốt hơn để xác nhận các tiêu chuẩn và tính hiệu quả của hệ thống chuỗi cung ứng, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”, trong Sách trắng 2024 của EuroCham nêu rõ.
Ngoài ra, để tăng cường cam kết quản lý môi trường, theo các chuyên gia của EuroCham, các DN Việt nên kết hợp các thông số về tính bền vững vào hệ thống theo dõi kỹ thuật số.
Điều này sẽ cho phép các công ty và cơ quan quản lý đo lường, kiểm soát và báo cáo hiệu quả hơn tác động môi trường của các hoạt động công nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều đó đóng vai trò rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu và quy định của quốc gia cũng như toàn cầu về tính bền vững.
Trong việc đưa công nghệ số vào sâu chuỗi cung ứng có thể nhìn thấy triển vọng ở ngành dệt may. Theo Ts. Majo George (Đại học RMIT), các DN may mặc của Việt Nam đang đứng trước cơ hội độc đáo để cách mạng hóa các hoạt động trong chuỗi cung ứng nhằm củng cố vị thế trên thị trường và trở thành người đi tiên phong trong phong trào phát triển bền vững toàn cầu nếu họ sử dụng công nghệ số. Đơn cử như công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) được dự đoán sẽ là công cụ không thể thiếu đối với DN may mặc.
“Chìa khóa” mở ra các cơ hội
Theo Ts. George, đây là công nghệ không dây tiên tiến sử dụng trường điện từ để xác định và giám sát các vật được gắn thẻ điện tử. Thẻ điện tử này lưu trữ thông tin quan trọng về sản phẩm, bao gồm chi tiết mặt hàng, xuất xứ và ngày sản xuất. Các thông tin này có thể được truy cập tại các địa điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng bằng đầu đọc RFID.
Nói một cách rất đơn giản, có thể coi đó là một hệ thống mã vạch kỹ thuật số. Mỗi sản phẩm may mặc có thể được gắn một chip duy nhất chứa các thông tin cần thiết. Khi sản phẩm đi qua vùng phủ sóng đọc RFID, dữ liệu được nhận và cập nhật theo thời gian thực, cho phép các bên liên quan theo dõi chính xác vị trí của sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Trước khi một sản phẩm quần áo ra đời, công nghệ này có thể được sử dụng để giám sát nguồn gốc và xác thực tính bền vững của nguyên liệu thô, nhờ đó các công ty thời trang của Việt Nam sẽ có được thông tin chính thống, đầy đủ để đưa ra quyết định có đạo đức liên quan đến nguồn nguyên liệu thô.
Công nghệ nêu trên cũng giúp cải thiện tốc độ và tính chính xác của khâu quản lý hàng tồn kho, đồng thời đảm bảo giao hàng kịp thời, qua đó giảm thiểu chất thải và lượng khí carbon thải ra trong hoạt động phân phối và logistics.
Chuyên gia của RMIT cho rằng, việc áp dụng công nghệ như vậy sẽ tạo ra sự khác biệt cho các DN Việt Nam trên thị trường toàn cầu bằng cách thể hiện cam kết của họ với tính bền vững và minh bạch, nhờ đó tạo được thiện cảm của người tiêu dùng có ý thức. Việc áp dụng công nghệ số đi sâu vào chuỗi cung ứng như thế cũng giúp DN Việt tăng hiệu quả hoạt động và giảm chênh lệch hàng tồn kho, giúp giảm chi phí dài hạn.
Hoặc như việc thúc đẩy các nhà máy sản xuất công nghiệp của Việt Nam dần chuyển đổi và trở thành các nhà máy tự động, thông minh và năng suất cũng là một cách để “vượt ải” XK.
Như mới đây, một số DN ở Tp.HCM đã được tiếp cận các giải pháp tiên tiến và mới nhất về công nghệ tự động hóa ctrlX. Công nghệ số này được cho là giúp tối ưu hoạt động, giảm chi phí kỹ thuật và phụ tùng lên tới 30 - 50% cho quá trình vận hành nhà máy. Nhất là hỗ trợ các DN sản xuất và chế tạo máy bằng cách tích hợp một hệ thống sẵn sàng khai thác giá trị từ công nghệ Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI), giúp họ ngày càng tiến bộ trong sản xuất, nâng cao được sức cạnh tranh, có điều kiện tích hợp liền mạch trong chuỗi cung ứng.
Xét về triển vọng ứng dụng tự động hóa trong chuỗi cung ứng của các DN ở Việt Nam, ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc ban Tự động hóa Bosch Rexroth Việt Nam, bày tỏ rằng thị trường Việt Nam nắm giữ “chìa khóa” để mở ra các cơ hội cho mô hình nhà máy thông minh cho khu vực Đông Nam Á và có vị thế trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu.
Nói một cách đơn giản, từ khuyến nghị của EuroCham đang đòi hỏi các nhà XK của Việt Nam không thể lơ là trước công nghệ số và cần áp dụng sâu hơn vào trong chuỗi cung ứng. Có như vậy, dù cho trường hợp như mì ăn liền của Việt Nam có chịu giám sát cửa khẩu ở thị trường EU sẽ vẫn dễ dàng vượt qua.