Đưa công nghệ số vào sản xuất
Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội... Tận dụng thời cơ này, Sóc Trăng đã và đang dần chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, một trong số đó là đưa công nghệ số vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận...
Đến thăm Hợp tác xã (HTX) Phước An, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) mới thấy rõ tác dụng của việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào trồng trọt. Chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, cài thêm ứng dụng, nông dân ngồi ở nhà cũng biết được thông tin độ mặn nước ra sao, xâm nhập tới đâu; ruộng mình có bao nhiêu con thiên địch, sâu rầy gây hại ra sao? Tất cả thông tin hữu ích, chính xác đó đều nhờ có trạm quan trắc môi trường nước và bẫy đèn thông minh.
Anh Ngô Văn Thành vừa là thành viên vừa kiêm luôn Phó Giám đốc HTX Phước An phấn khởi cho biết, từ lúc đặt bẫy đèn thông minh, thành viên HTX giảm tần suất đi thăm ruộng vì ngồi quán cà phê vẫn nắm được tình hình sâu bệnh của ruộng lúa, sướng lắm. Nếu trước đây muốn biết ruộng lúa có rầy, sâu bướm gây hại hay không phải dùng tay vạch từng bụi lúa để tìm, rồi mới phun thuốc. Bây giờ lên ứng dụng có đầy đủ thông tin luôn, bao nhiêu con rầy/m2, sâu bướm mấy con, tuổi đời bao lâu để có giải pháp xử lý, vừa hạn chế thiệt hại vừa giúp tiết kiệm chi phí tiền thuốc, thời gian, mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ trạm quan trắc môi trường nước, 3 máy sạ cụm, 2 máy bay phun thuốc… nên hiện tại sản xuất của HTX 100% được cơ giới hóa, đến mùa thu hoạch, các thành viên chỉ cần ra đồng để nhận tiền. Chính những lợi ích mà KHCN mang lại, cánh đồng mẫu lớn của HTX ngày càng lớn thêm, nếu năm 2019 chỉ có 57 thành viên tham gia với diện tích 65ha thì đến nay, số thành viên đã lên gần 300 người, cánh đồng mở rộng đến 523ha.
Theo đồng chí Võ Minh Luân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, việc ứng dụng KHCN tại HTX Phước An, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào (giống chỉ cần khoảng 10 - 11kg/công, giảm khoảng 5 - 10kg/công; giảm 2 lần phun thuốc; việc sạ cụm giúp tiết kiệm được phân bón hơn…), thu hoạch đồng loạt, dứt điểm nên giảm thất thoát, giá lúa bán cao hơn so sản xuất thông thường từ 50 - 200 đồng/kg, nông dân có lời cao hơn. Trong thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình này, giúp nông dân sản xuất thông minh hơn.
Từ thành công tại HTX Phước An cho thấy công tác dự báo dịch hại và quan trắc môi trường rất quan trọng, giúp đưa ra các biện pháp quản lý kịp thời các tình huống dịch hại sẽ diễn ra, góp phần bảo vệ được năng suất cây trồng. Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 7 hệ thống bẫy đèn thông minh đặt tại huyện: Long Phú, Kế Sách, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Trần Đề, Châu Thành và TX. Ngã Năm. Bẫy đèn thông minh vận hành hoàn toàn tự động và có khả năng chụp ảnh nhận dạng được hơn 80 đối tượng côn trùng khác nhau với độ chính xác hơn 80%. Đo được nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió, hướng gió và cảm biến mưa trong ngày. Thống kê số lượng côn trùng, vẽ biểu đồ từng đối tượng dịch hại và thiên địch hàng đêm, ngày, tháng và năm khi xem trên ứng dụng MEKONG hoặc tùy chọn các khoảng thời gian khác nhau trên website (http://trap.rynansaas.com). Thống kê đánh giá quy luật di trú của dịch hại rầy nâu và mật số rầy vào bẫy đèn hiển thị cả ngày dương lịch và âm lịch. Thông tin thu thập được sẽ phục vụ dự báo chính xác các đợt rầy di trú, làm cơ sở khuyến cáo nông dân thời điểm gieo sạ né rầy cũng như các biện pháp quản lý rầy nâu, phòng trừ rầy nâu truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hiệu quả.
Ngoài ra, để kịp thời dự báo cho người dân, đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn, tỉnh cũng đã lắp đặt và duy trì hoạt động được 4 trạm quan trắc môi trường nước tại nhiều địa phương trong tỉnh, qua đó giúp người dùng có thể kịp thời theo dõi số liệu mực nước, chất lượng nước như độ mặn, pH, nhiệt độ, amoni, độ kiềm, độ đục… theo thời gian thực và được cập nhật liên tục định kỳ 15 phút/lần để kịp thời phục vụ nhu cầu thu thập, quản lý, đánh giá dữ liệu của cơ quan, doanh nghiệp và hơn hết là kịp thời thông tin đến người dân về tình hình chất lượng nước để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Việc làm này là hết sức cần thiết bởi trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và khó lường nên dự báo thông tin về độ mặn trong nước, giúp nông dân giảm được thiệt hại trong sản xuất.
Những lợi ích mà KHCN đem lại là không thể phủ nhận, tuy nhiên việc ứng dụng KHCN trong trồng trọt tại tỉnh gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi người nông dân phải có lượng kiến thức nhất định; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định… Do vậy, người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn hoặc ngại ngần đầu tư nếu không có sự hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách đặc thù từ Nhà nước, tỉnh và các ngành chuyên môn về vốn, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nhằm nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ logistics, kết nối tiêu thụ sản phẩm… để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.