Đưa công nghệ thông tin lên rừng

Khi nghĩ về công nghệ thông tin (CNTT), người ta thường nghĩ đến sự có mặt ở các đô thị lớn, những nơi phát triển hay ở các ngành nghề, lĩnh vực mang tính chất công nghiệp, hiện đại. Thế nhưng, ở giữa rừng già - Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã ứng dụng CNTT vào quản lý, bảo vệ rừng đã có hàng chục năm nay.

Với tổng diện tích 25.601,18 ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có giá trị lớn về cảnh quan, sinh thái. Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gene quý hiếm của các loài động, thực vật. Để bảo vệ lá phổi xanh của miền Đông đất đỏ cũng như bảo vệ ngôi nhà chung của các loại động vật quý, hiếm, thời gian qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Không có CNTT khó hoàn thành nhiệm vụ

Với diện tích rộng, lực lượng bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn ít, việc bảo rừng gặp nhiều khó khăn. Khắc phục điều này, năm 2007, đơn vị đã triển khai sử dụng máy GPS có tích hợp máy ảnh để phục vụ điều tra bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Cảnh Đồng, cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Đơn vị sử dụng máy GPS vào tuần tra, bảo vệ rừng, với loại máy hiện đại nhất hiện nay có tích hợp nhiều tính năng bổ trợ cho quá trình điều tra. Ngoài lưu giữ lại lộ trình mỗi lần đi tuần, đo độ cao khu vực tuần tra..., máy GPS thế hệ mới còn tích hợp tính năng chụp hình, giúp lưu lại các hiện trường tuần tra như: những điểm phát hiện dấu vết của động vật quý hiếm, các cây gỗ quý hay những địa điểm bị lâm tặc chặt phá. Với những ưu điểm, hiệu quả khi ứng dụng máy GPS hiện đại trong tuần tra, bảo vệ rừng đã giúp công tác quản lý rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiệu quả hơn.

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi và địa điểm bắt được sóng, đội tuần tra gửi dữ liệu về cho lãnh đạo Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi và địa điểm bắt được sóng, đội tuần tra gửi dữ liệu về cho lãnh đạo Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Gắn bó với rừng không chỉ ở vai trò là người tuần tra bảo vệ rừng, anh Điểu Tương thuộc đơn vị nhận khoán cộng đồng bon Bù PRăng 1, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn là người con ở vùng biên giới huyện Bù Gia Mập. Nhiều năm làm công tác tuần tra, bảo vệ rừng, anh có tình cảm với từng lối mòn, từng hơi thở cánh rừng nguyên sinh này. “Dù quen từng lối mòn, vị trí từng cây gỗ quý, những điểm thú quý hiếm thường lui tới, nhưng quá trình tuần tra cũng phải cần sử dụng đến máy GPS để lưu giữ các dữ liệu trong quá trình tuần tra của đơn vị để lãnh đạo vườn giám sát cũng như quản lý thông tin về rừng hiệu quả nhất. Đặc biệt, những số liệu về phạm vi tuần tra, các thông tin về môi trường sinh thái, động vật, thực vật tại vườn. Đây là kết quả của việc ăn, ở trong rừng của mỗi đơn vị cộng đồng nhận khoán cho từng đợt tuần tra” - anh Điểu Tương cho biết.

“Áp dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ rừng và cho cả cộng đồng lẫn kiểm lâm và sử dụng máy định vị GPS giúp quá trình bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao. Thông qua dữ liệu có được từ các đợt tuần tra, nghiên cứu, lãnh đạo vườn biết được các địa điểm nào bị bỏ sót trong quá trình tuần tra, các điểm nào những cộng đồng nhận khoán ít đến để điều chỉnh. Việc cập nhật vị trí động vật hoang dã thường xuất hiện để có giải pháp tiếp cận, nghiên cứu hợp lý giúp bảo vệ hệ sinh thái cũng như đa dạng sinh học trong rừng hiệu quả hơn. Qua đó, nắm được sự biến đổi của động vật, thực vật trong vườn một cách chi tiết”.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Trung bình mỗi tháng, các đơn vị đi tuần tra từ 1.000-2.200km, ở lại rừng từ 20 đến 100 đêm, đi tuần tra từ 160 đến 220 ngày… Đó là các con số bình quân phải đạt được trong tuần tra bảo vệ rừng của các đơn vị kiểm lâm, cộng đồng nhận khoán. Những con số này đều được ghi nhận lại từ các thiết bị điện tử như GPS và điện thoại thông minh có sử dụng các phần mềm hỗ trợ. Hiện mỗi cộng đồng nhận khoán được trang bị 1 máy GPS phục vụ tuần tra bảo vệ rừng.

Quản lý rừng thời 4.0

Do đặc thù của vườn, hệ thống đường truyền internet, mạng viễn thông phủ sóng trong khu vực vườn hạn chế, vì thế dù máy GPS vườn đang sử dụng là loại hiện đại nhất được tích hợp nhiều tính năng, nhưng vẫn không thể cập nhật được thông tin báo cáo kịp thời đến lãnh đạo. Không đứng ngoài cuộc của thời kỳ 4.0, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã ứng dụng CNTT vào tuần tra bảo vệ rừng qua các phần mềm được tích hợp trên điện thoại thông minh.

“Mỗi lần đi tuần tra phải cầm theo máy định vị GPS, mỗi đợt đi phải đảm bảo đạt được số kilômét theo quy định và phải ở lại rừng từ 2-4 đêm trong rừng. Sau khi kết thúc đợt tuần tra, đơn vị sẽ chuyển các dữ liệu trong chuyến đi cho lãnh đạo vườn. Ngoài sử dụng GPS, chúng tôi còn sử dụng một số phần mềm được lãnh đạo vườn triển khai ứng dụng trên điện thoại. Nếu không có CNTT, chúng tôi khó hoàn thành nhiệm vụ”.

Anh Điểu Tương, đơn vị nhận khoán cộng đồng bon Bù PRăng 1, Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Anh Phan Văn Biên, cán bộ Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học, vườn đã ứng dụng CNTT để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, vườn còn sử dụng thêm các phần mềm bản đồ Avenza Maps và Time Stamp camera trong tuần tra, bảo vệ, nghiên cứu đa dạng sinh học, với lợi thế cài đặt trên điện thoại thông minh của mỗi cá nhân, không cần nhiều kinh phí như trang bị máy GPS. Và mỗi điện thoại đều có kết nối internet nên việc báo cáo kịp thời thông tin cho lãnh đạo vườn không cần phải chờ đến khi hoàn tất chuyến công tác.

Việc sử dụng song song các phần mềm trên nền tảng điện thoại thông minh và GPS để tuần tra bảo vệ rừng đã tạo được nhiều kết quả tích cực, tiết kiệm chi phí đầu tư máy GPS cho các đơn vị nhận khoán.

Hiện Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 10 trạm kiểm lâm, 10 chốt cộng đồng địa phương và 8 chốt của kiểm lâm, việc quản lý, tuần tra bảo vệ rừng đều dựa trên các nền tảng công nghệ. Thông qua trích xuất báo cáo từ máy GPS, các ứng dụng trên điện thoại thông minh về tuần tra bảo vệ rừng thể hiện rõ kết quả cũng như lỗ hổng trong tuần tra, bảo vệ rừng. Từ đó, Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ có giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả nhất.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/121891/dua-cong-nghe-thong-tin-len-rung