Đưa dạy thêm, học thêm vào nề nếp
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quyết định 2499 công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư số 17 năm 2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ có hướng dẫn thực hiện vấn đề này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Quyết định 2499 công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư số 17 năm 2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Sở GD-ĐT cho biết, sẽ có hướng dẫn thực hiện vấn đề này.
Cần sớm có văn bản hướng dẫn
Theo Quyết định 2499, các điều hết hiệu lực của Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm gồm: tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm; yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm. Lý do là bởi căn cứ pháp lý của quy định này tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Tuy vậy, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD-ĐT cho biết, trước đây, các trường THPT tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải đăng ký với sở, trường THCS tổ chức dạy thêm, học thêm phải đăng ký với phòng GD-ĐT. Sở hoặc phòng đi kiểm tra đảm bảo đủ điều kiện mới cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm. Theo Quyết định 2499, các trường vẫn được phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường và phải đảm bảo các điều kiện theo Thông tư 17, trừ các điều đã công bố hết hiệu lực. Tuy nhiên, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm về việc tổ chức hoạt động này trong nhà trường; các trường không phải đăng ký với sở hoặc với phòng GD-ĐT.
Sở GD-ĐT cũng đề nghị các phòng GD-ĐT có nhiệm vụ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xin cấp phép dạy thêm, học thêm thực hiện theo Luật Đầu tư. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký kinh doanh (lĩnh vực GD-ĐT) với Sở Kế hoạch và Đầu tư, không phải nộp hồ sơ cho Sở GD-ĐT để xin cấp phép như trước. Sở GD-ĐT chỉ tiến hành công tác hậu kiểm. Giáo viên có thể tham gia giảng dạy tại các công ty, doanh nghiệp theo chế độ thỉnh giảng và phải được sự cho phép của hiệu trưởng.
Ông Nguyễn Sinh Cung cho rằng, Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quyết định 2499. Trước mắt, Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cho các đơn vị về vấn đề này để làm căn cứ thực hiện thống nhất.
Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm
Thời gian qua, việc tổ chức dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường vẫn còn những tồn tại, bất cập. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, hiệu trưởng một số trường THCS và THPT còn lúng túng trong việc tổ chức lớp học thêm trong nhà trường. Giáo viên tự tổ chức lớp nên vẫn còn tình trạng dạy chủ yếu là học sinh chính khóa, vi phạm quy định tại Thông tư 17. Bên cạnh đó, có trường chưa phân hóa đối tượng học sinh theo trình độ khi tổ chức lớp học; chưa thực hiện tốt việc theo dõi, kiểm tra thực hiện phân phối chương trình, nội dung dạy từng môn học. Một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định việc thu, chi quỹ dạy thêm, học thêm. Trong khi đó, ở cấp tiểu học, tuy đã có quy định cấm tổ chức dạy thêm, học thêm, nhưng vẫn có không ít giáo viên tổ chức dạy thêm. Trong đó, có những giáo viên không dạy thêm tại nơi cư trú mà thuê địa điểm khác, các đoàn kiểm tra không nắm được để tiến hành kiểm tra. Bên cạnh đó, UBND xã, phường chưa tích cực kiểm tra và xử phạt hoạt động dạy thêm, học thêm không phép diễn ra trên địa bàn theo phân cấp.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng và ngày càng phổ biến. Vấn đề là quản lý hoạt động này như thế nào để việc dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp và có hiệu quả. Sở GD-ĐT cho biết sẽ tham mưu sửa đổi Quyết định số 14 ngày 8-8-2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, từng bước chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm.