Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết

Tại họp báo Chính phủ chiều 6-12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời phóng viên báo chí về đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, đây là đề xuất không mới, bởi trước kia, Luật Đầu tư cũ đã quy định dạy thêm là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư quy định việc này.

Ngày 16-5-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17). Việc ban hành Thông tư 17 ở thời điểm năm 2012 dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục trong Luật Đầu tư là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm học thêm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn làm rõ các vấn đề dạy thêm học thêm và bạo lực học đường. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn làm rõ các vấn đề dạy thêm học thêm và bạo lực học đường. Ảnh: VGP

Ví dụ, điều kiện tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường: Đối với các cơ sở và tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải có những cam kết với Ủy ban nhân dân các cấp từ cấp phường, xã cho đến cấp quận, huyện để bảo đảm yêu cầu về việc tổ chức dạy thêm, học thêm, công khai về tổ chức, địa điểm, mức phí, đội ngũ… Thông tư 17 cũng có các điều khoản quy định đối với người dạy thêm, đối với người đứng ra tổ chức dạy thêm, học thêm, điều kiện về cơ sở vật chất...

"Vì đây là loại hình rất đặc biệt, tác động đến học sinh. Nhưng sau này, dạy thêm, học thêm được đưa khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và vì thế Thông tư 17 phải bãi bỏ những điều khoản, quy định tương ứng. Trên thực tế, khi bãi bỏ đã có những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ đã hai lần có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này. Nếu đưa dịch vụ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 17 hiện hành; trong đó, sẽ quy định cụ thể những điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ pháp lý, đồng thời ngăn ngừa những trường hợp dạy thêm, học thêm không đúng theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đa số giáo viên dạy thêm hiện nay là nhỏ lẻ và việc dạy thêm diễn ra với nhiều hình thức khác nhau như dạy thêm ở trung tâm, thầy cô tự tổ chức trung tâm dạy thêm, dạy theo hình thức gia sư hoặc do phụ huynh nhờ… Ngoài ra còn có hình thức mới là dạy trực tuyến; một số thầy cô tổ chức một mình, có thêm đồng nghiệp tham gia với quy mô lớn.

"Việc dạy thêm học thêm không thể cấm được, bởi không có văn bản nào cấm", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định; đồng thời cho rằng, việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý, bảo đảm chất lượng, quyền lợi của người học cũng như bảo đảm quyền lợi của các thầy cô.

Ngăn chặn bạo lực học đường

Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết quan điểm và cách xử lý vụ học sinh lớp 7 nhốt cô giáo trong lớp, văng tục và ném đồ vào người cô.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, ngày 5-12, Bộ đã có công văn gửi UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường trước tiên làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo.

"Cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc, do giáo viên hay học sinh, hay thuộc trách nhiệm của nhà trường để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm sâu sắc", Thứ trưởng Sơn nói; đồng thời nhấn mạnh, từ vụ việc này cần tìm ra giải pháp cho tình trạng bạo lực học đường nói chung.

Theo Thứ trưởng, các biện pháp kỷ luật học sinh chỉ áp dụng với vụ việc cụ thể. Do đó, ngành Giáo dục, địa phương, phụ huynh, thầy cô cần tìm giải pháp căn cơ, lâu dài. Trước hết, cần đánh giá lại đội ngũ giáo viên từ quy trình đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng. Việc giáo dục, tăng cường đạo đức học đường cũng cần đánh giá hiệu quả, cũng như việc chấp hành, ứng xử của học sinh.

"Với nhà trường, để xảy ra vụ việc như vậy sẽ gây rất nhiều hậu quả nên phải tìm ra nguyên nhân sâu xa để ngăn chặn sớm", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Theo QĐND/TTXVN

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/211252/dua-day-them-vao-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-la-can-thiet