Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Luật hóa, minh bạch hóa việc dạy thêm, thay vì cấm
Trên nghị trường Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, câu chuyện làm thế nào để 'siết' 'nạn' dạy thêm học thêm (DTHT) trái quy định đang có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho người dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, lại được đưa ra tranh luận.
Đề xuất đưa DTHT vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện một lần nữa được đưa ra và nhận được nhiều ý kiến tán đồng như là một trong những phương cách khả dĩ nhất hiện tại để góp phần minh bạch hóa việc dạy thêm khi thực tế nhiều năm qua cho thấy đã không thể cấm đoán được triệt để việc DTHT.
“Nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”
Đó là quan điểm đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đã đưa ra tại nghị trường Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 20/11. DTHT đã là vấn đề được cả xã hội quan tâm, thậm chí bức xúc từ lâu, lại được đưa ra đúng thời điểm kỷ niệm ngày Hiến chương các Nhà giáo, nên không quá ngạc nhiên khi vấn đề DTHT cũng như việc đưa DTHT vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện - “nóng” trở lại.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy: “Nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”. “Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án” - đại biểu nhấn mạnh.
Quan điểm “nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”, bởi có cung thì có cầu của đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng nhận được nhiều sự tán đồng và chia sẻ, trong đó phần đa là ý kiến của những người trong ngành giáo dục. Ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5, TP.HCM) cho rằng, quản lý DTHT lâu nay vẫn trong vòng luẩn quẩn, nên nếu quy về quản lý như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tốt hơn nhiều. Bản chất của dạy thêm - học thêm không xấu, chỉ xấu vì biến tướng dưới các biểu hiện như ép và lôi kéo học sinh học thêm.
Thầy Nguyễn Duy Khánh - Giáo viên tại hệ thống Giáo dục trực tuyến Mclass (Hà Nội) cũng cho rằng việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là vô cùng hợp lý. Khi có một quy trình chuẩn, sự phân hóa giáo viên rất rõ ràng, những người có năng lực tốt sẽ được học sinh lựa chọn theo học và ngược lại. Học sinh có quyền lựa chọn giáo viên phù hợp nhất. Bản thân các giáo viên cũng phải trau dồi, nâng cao phương pháp giảng dạy để thu hút được học sinh.
Hiện nay, việc dạy thêm được mỗi địa phương triển khai theo một cách khác nhau, có thể phát sinh những vấn đề tiêu cực, gặp khó khăn trong quản lý. Khi hoạt động này được quản lý bằng luật sẽ mang tính chất đồng bộ trong cả nước, đảm bảo lấy học sinh là trung tâm và đạt được hiệu quả tốt nhất.
Thầy Hoàng Hải Phòng - Hiệu trưởng trường THCS tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cũng nêu quan điểm rằng, việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo được sự đồng bộ trong quản lý giữa các địa phương, đảm bảo công khai, minh bạch và phụ huynh, học sinh có thể nắm bắt rõ ràng về hoạt động này.
Theo ông Trương Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (Quận 1, TP.HCM), nếu có thể bổ sung dạy thêm - học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì đây là việc rất nên làm. Ông cho rằng trong thực tế, nhiều giáo viên ở trường công có nhiều thời gian trống nên đi thỉnh giảng thêm ở các trường tư và chịu mức thuế thu nhập cá nhân. Nếu quản lý như ngành nghề kinh doanh thì sẽ mở đường cho giáo viên đăng ký - dạy bao nhiêu học sinh, thu mức giá bao nhiêu và các cơ quan quản lý sẽ thu thuế.
Quan trọng là thẩm định và giám sát như thế nào?
Không phản đối việc đưa DTHT vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng rất nhiều quan điểm cũng thống nhất cho rằng đưa một ngành nghề có thể coi là rất đặc thù và có tác động xã hội rất lớn như nghề giáo vào một nghề kinh doanh là điều cần phải được tính toán hết sức thận trọng, bởi liên quan tới rất nhiều vấn đề, yếu tố không đơn giản.
Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, nếu đề xuất đi vào thực tiễn, việc quản lý không tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng “chạy” giấy phép con bằng mọi cách để hợp thức hóa việc dạy thêm, gây ra nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó, thầy Hồ Tuấn Anh cũng chia sẻ thêm rằng, nếu đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng nghĩa với việc Nhà nước phải thu thuế và quản lý nó chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, không nên vì công nhận nó là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà để cho các tổ chức, cá nhân biến tướng để làm méo mó thị trường kinh doanh đó. Nếu để bị méo mó thì nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy học chính khóa.
Trên tất cả, như lo ngại của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tế - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, là chất lượng giáo dục. “Qua đó, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc thật kỹ nếu muốn đưa đề xuất này vào thực tiễn. Vấn đề quan trọng trong hoạt động DTHT vẫn là chất lượng. Rõ ràng, nếu quản lý không tốt thì chắc chắn chất lượng không thể nào đảm bảo được. Nếu việc quản lý không tốt công tác DTHT nếu công nhận đó là một ngành nghề kinh doanh thì rất dễ dẫn đến tình trạng “thương mại hóa” giáo dục. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là DTHT tràn lan, mất kiểm soát. Cứ có tiền là mở lớp, mở trung tâm rồi thuê giáo viên về dạy mà không ai biết được trong mỗi buổi học như thế ra sao. Chưa kể, khi “mở cửa” cho việc dạy thêm thì số lượng trung tâm, lớp dạy thêm cũng tăng lên nhanh chóng, khi ấy việc đảm bảo chương trình dạy ở mỗi trung tâm có đồng nhất với khung chương trình chung hay không hay lại khiến học sinh bị loạn kiến thức. Đó cũng là điều các cơ quan quản lý, đề xuất nội dung trên cần lưu ý” - Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Tế nhấn mạnh.
Đổi mới giáo dục, thi cử mới là giải pháp căn cơ, tận gốc
Luật hóa việc DTHT được xem là “nắn”, siết việc DTHT vào khuôn khổ, tuy nhiên có làm vơi đi được những bức xúc, áp lực cả về học hành lẫn tiền bạc của cả học sinh lẫn phụ huynh được hay không, theo nhiều chuyên gia, lại là câu chuyện khác.
Theo chuyên gia, Thạc sĩ giáo dục Đinh Đức Hiền, ông hoàn toàn ủng hộ việc Bộ GD&ĐT đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên, theo ông, cái gốc của vấn đề dạy thêm, học thêm lại nằm ở nội dung dạy và học, đặc biệt là kiểm tra, đánh giá, thi cử. “Vì sao học sinh phải học thêm? Phần lớn vì thi! Nói thẳng và thật là như vậy. Còn nói học thêm để nâng cao kiến thức chỉ là một cách nói khác mà thôi. Thi cử không bao giờ mất đi, dù là giáo dục có đi đến đâu. Việc dạy thêm học thêm cũng thế. Nhưng cái bất cập hiện nay là kiểm tra, thi cử nặng nề diễn ra ở mọi cấp độ, ngay cả trên lớp học” - Thạc sĩ giáo dục Đinh Đức Hiền nêu quan điểm.
Cách đây ít năm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, trước câu hỏi của PV về quan điểm của bà trước đề xuất đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng đã nhấn mạnh: Quan điểm mấu chốt là phải ở cả 2 phía, một là phía Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu rất kĩ lưỡng, làm như thế nào để tránh tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, phải thiết kế chương trình học như thế nào, phải giảm tải thực sự để giáo viên có thể giải quyết hết được tất cả các kiến thức cần thiết cho học sinh ở trên lớp.
Thứ hai là tránh bệnh thành tích trong giáo dục, phía Bộ GD&ĐT phải đổi mới chương trình, đổi mới cách đánh giá và phải đi vào thực chất. Về phía phụ huynh cũng phải thay đổi nhận thức, không phải lúc nào cũng muốn con mình hơn con người khác. Thế là điên cuồng cho con đi học thêm bằng mọi giá. Cái đó có xuất phát từ tâm lý phụ huynh và phụ huynh cũng có lỗi trong việc để dạy thêm học thêm tràn lan. Và chúng ta cũng cần có chế đội đãi ngộ xứng đáng đối với giáo viên.
Rõ ràng, muốn trị dứt được bệnh, phải trị từ căn nguyên. Và khi căn nguyên của nạn DTHT được gỡ bỏ, khi nền giáo dục không nặng về thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy theo đúng tinh thần phát huy năng lực, phẩm chất của người học, thì mới có thể đưa việc DTHT về đúng bản chất là sự bổ sung kiến thức cho người có nhu cầu. Vì thế, đã đến lúc cần luật hóa việc DTHT nhưng đồng thời ngành giáo dục cũng không thể quên vấn đề cấp bách không kém là đổi mới giáo dục, đổi mới chuyện học hành thi cử. Như thế, mọi việc mới đồng bộ, hiệu quả, lòng tin của phụ huynh với người thầy, với ngành giáo dục mới được nhân lên.