Đưa di sản hát Xoan Phú Thọ trở thành tài sản vô giá
Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi tình trạng khẩn cấp và trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan Phú Thọ gắn liền với truyền thuyết vua Hùng
Có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, gắn liền với truyền thuyết về các Vua Hùng, hát Xoan Phú Thọ là niềm tự hào của người dân Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. Hát Xoan có sức cuốn hút đặc biệt với khách du lịch trong và ngoài nước từ lời ca, điệu múa và dụng cụ biểu diễn vô cùng mộc mạc, đơn sơ nhưng nhịp phách và âm điệu rõ ràng, chắc khỏe.
Với những giá trị nổi bật, tháng 11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali- Indonesia, hát Xoan Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Để bảo tồn di sản văn hóa độc đáo này, năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã xây dựng chương trình "hát Xoan làng cổ” gắn với các tour tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về tham dự Giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng hàng năm, làm tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch "hát Xoan làng cổ” trong đời sống cộng đồng. Đây là chương trình gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa, nơi phát tích của hát Xoan và các ngôi đình cổ - là vùng lan tỏa diễn xướng hát Xoan như Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái, đình Hùng Lô…
Theo đó, đến với Phú Thọ ngoài được tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thực hành các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta; tham quan Bảo tàng Hùng Vương, tìm hiểu không gian trưng bày về thiên nhiên, lịch sử văn hóa vùng đất Tổ qua các thời kỳ từ sơ sử đến hiện đại; tham quan đình cổ Hùng Lô - ngôi đình 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô và làng cổ Hùng Lô với góc chợ quê, nhà cổ, trải nghiệm gói bánh chưng, giã bánh dày truyền thống… du khách còn được tham quan miếu Lãi Lèn, nơi phát tích của hát Xoan Phú Thọ và được thưởng thức các làn điệu Xoan cổ mượt mà do các nghệ nhân các phường Xoan trình bày.
Với những nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa, tháng 12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để hát Xoan Phú Thọ trở thành tài sản vô giá
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã phối hợp thành phố Việt Trì công bố sản phẩm du lịch "hát Xoan làng cổ”. Đây là sản phẩm cũng như tour du lịch đầu tiên được tỉnh Phú Thọ xây dựng và kết hợp với các công ty lữ hành triển khai nhằm giới thiệu đến du khách.
Các chương trình biểu diễn “hát Xoan làng cổ" góp phần đưa hát Xoan trở thành một nguồn lực, sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Phú Thọ cùng tham gia.
Sau 10 năm xây dựng (2013-2023), đến nay, chương trình "hát Xoan làng cổ” đã trở thành món ăn tinh thần không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi về với Phú Thọ.
Những làn điệu hát Xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ nói riêng và đất nước con người Việt Nam nói chung sẽ làm hài lòng đông đảo du khách nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, đưa di sản hát Xoan Phú Thọ trở thành tài sản vô giá, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đã triển khai đồng bộ, bài bản các chương trình, dự án bảo tồn Hát Xoan.
Trong số đó, tỉnh xác định rõ việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản Hát Xoan là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Qua đó, di sản hát Xoan được bảo tồn, phát huy giá trị trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Phú Thọ xác định các nghệ nhận hát Xoan chính là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản hát Xoan. Bởi vậy, tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân. Có các chính sách hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho nghệ nhân và học viên tham gia truền dạy, đào tạo hát Xoan, đồng thời phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú.
Để bảo tồn di sản độc đáo này, hiện 100% trường học trong tỉnh Phú Thọ đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ hát Xoan cấp trường. Cùng với đó, trên 100 Câu lạc bộ hát Xoan và Dân ca ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập, duy trì hoạt động, đáp ứng yêu cầu của những người yêu thích hát Xoan, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hát Xoan trong đời sống cộng đồng.