Đưa dịch vụ KHHGĐ đến vùng cao
ĐBP - Những năm qua, để góp phần hạn chế tình trạng gia tăng dân số, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh việc triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đến vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS đến người dân.
Cán bộ dân số tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai cho phụ nữ bản Nậm Chua, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà). Ảnh: C.T.V
Để nâng cao chất lượng dân số, nhiều năm trở lại đây Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về SKSS - KHHGĐ, đặc biệt tại những vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn. Tổ chức rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số phụ nữ có độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ 3 và có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên để có biện pháp truyền thông, tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Cùng với đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ, Chi cục đã tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản CSSKSS/KHHGĐ đến với mọi đối tượng có nhu cầu; cung cấp đầy đủ các phương tiện tránh thai, tiếp thị xã hội theo đúng kế hoạch để phục vụ hoạt động và đảm bảo nhu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên. Hàng năm, Chi cục tổ chức các đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép với cung cấp dịch vụ KHHGĐ tới vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao… 6 tháng đầu năm, Chi cục DS - KHHGĐ đã tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 54/50 xã, đạt 108% kế hoạch.
Ngoài ra, xác định rào cản lớn nhất trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách DS - KHHGĐ, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS chính là nhận thức của người dân. Vì vậy, Chi cục đã và đang tích cực đẩy mạnh hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền lưu động, tổ chức nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm, thăm hộ gia đình, tư vấn... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức và góp phần chuyển biến hành vi của người dân trong việc thực hiện các chính sách dân số. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên, tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu về ý nghĩa của việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS; từ đó tạo hiệu ứng tích cực, nhất là tại các xã có tỷ lệ sinh cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỉnh ta cũng quan tâm, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức huấn luyện, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cung cấp dịch vụ, đồng thời cử các đội kỹ thuật lưu động, cán bộ kỹ thuật có tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, có khả năng, kinh nghiệm vận động quần chúng với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại như: Máy siêu âm, máy nội soi cổ tử cung và các phương tiện tránh thai, các loại thuốc thiết yếu... hỗ trợ trực tiếp các địa phương triển khai chiến dịch để đảm bảo các kỹ thuật chăm sóc SKSS/KHHGĐ được thực hiện an toàn, thuận tiện và đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 1.366/1.932 người; trong đó triệt sản đạt 3/18, dụng cụ tử cung đạt 1.107/1.22, thuốc tiêm đạt 244/687, thuốc cấy tránh thai 12 người. Biện pháp tránh thai phi lâm sàng: Viên uống tránh thai 1.967 người, bao cao su 773 người. Các dịch vụ khác: Khám viêm nhiễm đường sinh dục 3.498 người; điều trị viêm nhiễm đường sinh dục 696 người; siêu âm sản phụ khoa 438 người, khám thai 914 người; siêu âm phụ nữ mang thai 275 người; cấp viên sắt 133 người.
Có thể khẳng định, chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy công tác dân số tại các địa phương. Thời gian tới, Chi cục DS - KHHGĐ tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số; đẩy mạnh truyền thông các chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ tại các vùng khó khăn; các mô hình và dịch vụ tư vấn trực tiếp, thân thiện cho những cặp vợ chồng sinh con một bề, đối tượng nghèo, dân tộc ít người. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động của các đội cung cấp dịch vụ dân số, SKSS lưu động để đưa dịch vụ có chất lượng đến với đồng bào vùng sâu, xa, khó khăn; qua đó góp phần thực hiện chương trình mục tiêu y tế quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.