Đưa du lịch MICE Việt Nam vươn tầm quốc tế
Với lợi thế khung cảnh thiên nhiên hấp dẫn, cơ sở vật chất tương đối tốt tại các điểm du lịch, thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) ở Việt Nam hiện phát triển nhanh chóng. Việt Nam đang nỗ lực định vị thương hiệu, tạo liên kết trở thành trung tâm du lịch MICE tốp đầu.
Xu hướng du lịch giàu tiềm năng phát triển
Du lịch MICE đang trở thành “con gà đẻ trứng vàng” ở Việt Nam. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, xu hướng du lịch MICE đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo ước tính của một số doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành, cơ sở lưu trú, khách du lịch MICE ở thị trường nội địa chiếm trung bình 15 - 20% tổng lượng khách và lên đến 60% tại một số đơn vị lớn trong những tháng cao điểm. Khách du lịch MICE châu Âu chiếm khoảng 20% và là dòng khách cao cấp, mức chi tiêu 700 - 1.000 USD/ngày; khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD/ngày.
Tại Bình Thuận, chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch tại đây đã tổ chức hơn 132 hội nghị, hội thảo thu hút trên 30.700 lượt khách. Còn ở TP HCM, vào đầu năm 2024, đã vinh dự đón nhận giải thưởng Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á lần thứ tư liên tiếp tại Giải thưởng Du lịch MICE thế giới năm 2023 tổ chức ở Đức.
Không chỉ hấp dẫn được khách du lịch nội địa, du lịch MICE ở Việt Nam còn đang là điểm đến của khách quốc tế. Vào cuối tháng 8, đoàn khách khoảng 4.500 người trong công ty dược phẩm của một tỉ phú Ấn Độ đến Việt Nam, với hàng loạt các hoạt động team building, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đắt đỏ đã đem lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch.
Sắp tới đây, Nha Trang dự kiến đón 150 đại lý du lịch từ Kazakhstan và các nước CIS (hay còn gọi là các nước SNG) đến tham dự hội thảo về du lịch, đồng thời tham quan, khảo sát các điểm đến ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào đầu tháng 10/2024.
Thực tế, du lịch MICE đang được nhiều quốc gia tích cực đầu tư phát triển. Phần lớn những tour du lịch kiểu này được các công ty, tập đoàn tổ chức với số người tham gia đông đảo. Khách du lịch MICE đa phần thuộc phân khúc cao cấp, có thu nhập ổn định, xu hướng chi tiêu nhiều trong các chuyến đi. Đặc biệt, hiện nay, du lịch hội nghị, trao thưởng ở Việt Nam đang thu hút các thị trường lớn trên thế giới như Ấn Độ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... Vì vậy, các chuyên gia đánh giá du lịch MICE là một “mảnh đất” giàu tiềm năng, đem lại nguồn lợi nhuận cao, giúp ngành Du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Tại Diễn đàn “Việt Nam - Điểm đến của Du lịch MICE” vừa qua, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhận định, từ nhiều năm qua du lịch MICE đã được coi là một loại hình, sản phẩm du lịch chuyên biệt có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Việt Nam có lợi thế rất lớn để làm du lịch MICE
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, hiện nay, du lịch MICE được coi là thế mạnh của ngành Du lịch Thủ đô. Theo đó, Hà Nội đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới, nổi bật như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6, SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11…
Thực tế, du lịch MICE ở Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để vươn tầm quốc tế. Lấy ví dụ các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,... có cơ sở vật chất tốt, kinh nghiệm tổ chức hội nghị, lễ trao giải, khen thưởng lớn. Đặc biệt, một số các thị trường hàng đầu về du lịch MICE ở Đông Nam Á như Singapore trở nên nhàm chán với du khách. Do khách MICE đang có xu hướng tìm các trải nghiệm về nơi hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên hoặc tìm hiểu cuộc sống, văn hóa địa phương sau khi các cuộc hội thảo kết thúc. Vì vậy, Việt Nam có lợi thế rất lớn để làm du lịch MICE như văn hóa bản sắc, ẩm thực phong phú, bờ biển dài và đẹp, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường du lịch MICE tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa thực sự nở rộ như các nước bạn trong cùng khu vực. Phần lớn các tour du lịch MICE ở nước ta vẫn tập trung vào lượng khách nội địa với quy mô nhỏ lẻ. Ngành Du lịch chưa có cơ chế, chính sách phù hợp với xu hướng du lịch MICE. Một trong số thách thức Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng, vì khách MICE thị trường ngoại quốc chủ yếu là khách hạng sang, đòi hỏi hạ tầng phải đồng bộ, chất lượng cao. Đặc biệt, nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu chuẩn quốc tế của khách nước ngoài.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch hiến kế, ngành Du lịch Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch MICE; đầu tư hạ tầng, vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc trưng tại các trung tâm du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch MICE; đầu tư phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch MICE đa dạng, mang đặc trưng riêng vùng miền; nâng cao nhận thức đúng, có hiểu biết nhất định về loại hình du lịch MICE; tăng cường tập huấn về văn hóa ứng xử, cách hỗ trợ khách du lịch.