Đưa du lịch Tây Ninh bứt phá, mở rộng thị trường khách miền Bắc
Sáng 7/10, trong khuôn khổ sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch 'Hương sắc Tây Ninh 2023'. Nhiều giải pháp, đề xuất đã được đưa ra tại hội nghị nhằm giúp du lịch Tây Ninh ngày càng bứt phá, thu hút du khách miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
Hội nghị có sự tham dự của ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Trần Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch HHDL VN.
Về phía Tỉnh Tây Ninh, có ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, ông Trần Anh Minh - Giám đốc sở VHTT& DL Tây Ninh; Ông Ngô Trần Ngọc Quốc - Chủ tịch Hiệp hội DL tỉnh Tây Ninh
Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp du lịch đến từ Hà Nội, Tây Ninh; các đại diện lãnh đạo HHDL các tỉnh thành, cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: “Hội nghị nhằm mở ra cơ hội mới cho sự hợp tác phát triển doanh nghiệp du lịch Hà Nội và doanh nghiệp Tây Ninh, giới thiệu, tìm hiểu về du lịch Tây Ninh nhằm thúc đẩy các tour, tuyến du lịch và mở rộng thị trường, sản phẩm thương mại”.
Hội nghị đã mang tới cho các đại biểu tham dự một bức tranh toàn cảnh vô cùng tiềm năng và hấp dẫn của du lịch Tây Ninh, với đa dạng loại hình và sản phẩm, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại đang khiến lượng khách đến với Tây Ninh còn hạn chế. Vì vậy, việc tăng cường thu hút nguồn khách du lịch đa dạng đến từ các điểm đến khác như miền Trung, miền Bắc, đặc biệt là du khách từ thủ đô Hà Nội- một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước được xem là vấn đề trọng tâm của Tây Ninh hiện nay.
Khái quát những tiềm năng to lớn của du lịch Tây Ninh, bà Trần Nguyện- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, doanh nghiệp gắn bó và tạo nhiều dấu ấn trong sự phát triển của du lịch Tây Ninh suốt nhiều năm qua nhấn mạnh: “Với 95 di tích được xếp hạng, 8 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là rất nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng như Núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, ẩm thực phong phú, thiên nhiên đa dạng, văn hóa giàu bản sắc với hơn 40 lễ hội trong năm, Tây Ninh có nhiều thế mạnh để có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch mà nhiều điểm đến khác mơ ước”.
Tuy nhiên, bà Nguyện cũng đồng thời chỉ ra khá nhiều tồn tại và thách thức đối với ngành công nghiệp không khói của Tây Ninh. Cụ thể: Du lịch văn hóa và các tiềm năng du lịch sẵn có nhưng chưa tạo được nét độc đáo riêng có; Chưa có các quy hoạch phát triển du lịch bài bản; Còn thiếu thốn cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng vui chơi giải trí và lưu trú; Đội ngũ nhân lực du lịch còn mỏng, thiếu và yếu…
Với sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong thời gian qua như Vingroup, Sun Group… du lịch Tây Ninh đã bước đầu có được những thành quả đáng khích lệ. Nếu như năm 2019, số lượng khách du lịch nội địa đến Tây Ninh mới chỉ khoảng hơn 2,9 triệu lượt, khách du lịch quốc tế là 8.790 người, tổng thu từ du lịch là hơn 1000 tỷ đồng thì kể từ năm 2020, khi Tây Ninh ra mắt sản phẩm mới như KDL Sun World Ba Den Mountain và sau đó là nhiều công trình sản phẩm du lịch đẳng cấp, sự kiện, lễ hội hấp dẫn, du lịch Tây Ninh thậm chí đã trở thành một hiện tượng, với lượng khách liên tục vượt kỳ vọng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Tây Ninh đã đạt 4,22 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.765 tỷ đồng (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước).
Trên những tiềm năng, thế mạnh vượt trội, du lịch Tây Ninh cần đặt mục tiêu hướng tới trở thành “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam và vươn tầm quốc tế”. Theo đó, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở quy hoạch phát triển du lịch, sau đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, người dân, và quan trọng là lựa chọn được nhà đầu tư đủ tâm và tầm, có năng lực triển khai cùng với sự quản lý chặt chẽ trong việc nâng tầm chất lượng dịch vụ đồng đều tại điểm đến.
Bà Nguyện cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để Tây Ninh có thể từng bước hiện thực hóa mục tiêu lớn trên. Cụ thể, Tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, định vị du lịch văn hóa là thế mạnh của Tây Ninh, đồng thời, đẩy mạnh tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng đồng bộ, hiện đại.
Văn hóa là thế mạnh riêng có, do đó Tây Ninh cần khai thác một cách bài bản và sâu hơn nữa thế mạnh này. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm phát triển hệ sinh thái du lịch tâm linh chữa lành. “Kê An Nhiên, Kê Thiên Nhiên cho tâm hồn” là một giải pháp để Tây Ninh khẳng định sự khác biệt và nâng tầm thế mạnh không ai có của mình”, bà Nguyện nói.
Tham dự Hội nghị, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khẳng định, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Tây Ninh - một ngôi sao sáng đang lên. Trong giai đoạn này, Tây Ninh có thể nói là vô địch trong hút khách nội địa, và chúng tôi mong rằng Tây Ninh sẽ tiếp tục vươn ra thế giới. Cùng Tây Ninh tham gia các hội chợ, triển lãm cũng như là chương trình roadshow ở nước ngoài, để Tây Ninh xứng tầm là một điểm đến mang tầm quốc tế. Có thể thấy rằng du lịch tâm linh tại Tây Ninh có một tiềm năng rất lớn, đặc biệt là đối với thị trường Ấn Độ mới nổi của chúng ta. Tin rằng sớm thôi, Tây Ninh sẽ tỏa sáng mạnh mẽ”.
Điểm nhấn đặc biệt trong chương trình Hội nghị là tọa đàm “Để yêu Tây Ninh” với sự tham dự của các diễn giả: ông Trần Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Phạm Văn Bảy- Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Đức Anh – Chủ tịch CLB MICE Việt Nam (VMC) và nhiếp ảnh gia quốc tế chuyên về du lịch- KOL Khánh Phan.
Tọa đàm đã trao đổi, đề xuất, góp ý những sáng kiến, hành động để thúc đẩy, khai thác dư địa của du lịch Tây Ninh, đồng thời tìm kiếm giải pháp tăng cường thu hút du khách Hà Nội nói riêng và du khách miền Bắc nói chung đến với Tây Ninh.
Tại tọa đàm, đa số các diễn giả cho rằng, dù sở hữu những thế mạnh ít nơi nào có được để phát triển nhiều loại hình du lịch, song Tây Ninh vẫn đang bỏ ngỏ những cơ hội với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch MICE… Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng cần đẩy mạnh, để có thể tiếp cận và xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa tại nhiều thị trường khách trong nước và quốc tế.
Đại diện doanh nghiệp và chuyên gia du lịch tham dự tọa đàm cũng đã đưa ra các góc nhìn mới, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để khắc phục các hạn chế, phát huy thế mạnh và thúc đẩy sự phát triển của du lịch Tây Ninh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết xúc tiến phát triển du lịch Tây Ninh, Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh cùng các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và TPHCM, đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển, với các nhiệm vụ, mục tiêu và cam kết cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và tăng cường thúc đẩy lượng khách đến với Tây Ninh trong thời gian tới.
Hội thảo đã mở ra cho du lịch Tây Ninh không chỉ những cơ hội hợp tác phát triển mới mà còn mang lại rất nhiều những giải pháp hữu hiệu, để trong tương lai, du lịch Tây Ninh có thể cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào mục tiêu to lớn của Tây Ninh là trở thành một cực tăng trưởng mới tại vùng Nam Bộ vào năm 2030.