Đưa du lịch Thái Nguyên phát triển xứng tầm là trung tâm vùng Việt Bắc
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh cho biết: Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng trước hết là cải thiện cơ bản đời sống cho nhân dân địa phương; sau đó sẽ góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bởi Thái Nguyên là mảnh đất chiến khu cách mạng với nhiều di tích lịch sử, danh thắng quan trọng, nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng sẽ là điều kiện để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Cùng với chính sách đổi mới về phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngành Du lịch Thái Nguyên đã có những chuyển biến rõ rệt. Ngành đã chủ động tham mưu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển du lịch Thái Nguyên và được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện, như: Quy hoạch phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2009 - 2015; Đề án quy hoạch xây dựng Vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch kích cầu du lịch; Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý môi trường văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015. Đồng thời, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh.
Đến nay, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch gồm có: Phòng nghiệp vụ du lịch với 6 cán bộ, công chức (100% có trình độ đại học chuyên ngành về du lịch); 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch với 10 cán bộ. UBND tỉnh cũng đã có quyết định thành lập Ban Quản lý Khu du lịch vùng hồ Núi Cốc nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý trong việc định hướng phát triển Vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc thời gian tới…
Kết quả về doanh thu và lượng khách du lịch nội địa, quốc tế đến với Thái Nguyên năm sau cao hơn năm trước; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 10 -15%/năm; các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách nghỉ (với gần 220 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 40 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 3 sao).
Đặc biệt, năm 2007 tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được đăng cai tổ chức “Năm Du lịch quốc gia Thái Nguyên” thành công rực rỡ. Những năm qua, nhiều hoạt động du lịch tại Thái Nguyên được tổ chức sôi động, như: Hội chợ Xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Lễ khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên; mở rộng liên kết hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh cùng chung dãy núi Tam Đảo (Thái Nguyên - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc - Hà Nội), các tỉnh trong vùng Việt Bắc (Thái Nguyên - Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Tuyên Quang - Hà Giang); tham gia ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với các địa phương trong cả nước; tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch Thái Nguyên năm 2010; Liên hoan Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam...
Đến nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được đưa vào khai thác, QL3 cũ được nâng cấp, mở rộng; các khu công nghiệp ở phía Nam của tỉnh đang vươn mình, thu hút nhiều nhà đầu tư; công tác tuyên truyền, quảng bá, mở rộng liên kết, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường... đã mở ra cho du lịch Thái Nguyên một hướng đi mới.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 số khách du lịch đến với Thái Nguyên sẽ đạt trên 2 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 50 nghìn lượt); có 4.000 phòng lưu trú (trong đó số phòng đạt tiêu chuẩn khách sạn từ 1 - 3 sao là 1.500 phòng); doanh thu từ du lịch đạt 150 tỷ đồng; số lao động trong ngành Du lịch tăng lên và đạt khoảng 2.000 lao động trực tiếp...
Hoạt động du lịch đang trên đà phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, từng bước hoàn thiện điều kiện cần có của một ngành kinh tế quan trọng và sớm đưa du lịch Thái Nguyên phát triển xứng tầm với tỉnh trung tâm vùng Việt Bắc.
PV
Theo
Link gốc: