Đưa game học tập vào để làm mới bài giảng online
Để phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh, nhiều giáo viên tìm cách đổi mới bài giảng để duy trì trạng thái 'tạm dừng đến trường nhưng không dừng học' mà ngành giáo dục đặt ra trong suốt 2 năm qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Làm gì để học sinh thích “đến trường học online”
7 giờ 20 phút sáng mỗi ngày trong tuần, cô giáo Hoàng Thị Ngọc Huyền, chủ nhiệm lớp 3A3, Trường Tiểu học Alpha (Hoài Đức, Hà Nội) mở lớp học trực tuyến. Cô và trò học sinh lớp 3A3 sẽ có khoảng 10 phút chào buổi sáng bằng những câu hỏi thăm như: “K.N ăn sáng chưa? Hôm qua cô thấy con gửi bài tập sớm nhất đấy? “Hình như H.H vừa dậy phải không?”; “M.K thử bật camera lên cô xem mắt con đỡ hơn chưa?”…
Nhiều câu hỏi thăm được cô Huyền đưa ra khiến lớp học dần trở nên sôi động. Sau khi khoảng “10 phút chào buổi sáng” vui vẻ này, nhiều em bước vào giờ học online đầu tiên trong ngày với tâm trạng hào hứng.
Không chỉ hào hứng với cách trò chuyện của cô giáo chủ nhiệm, các giờ học Toán, Tiếng việt, Tiếng Anh hay những môn học như Tin học, Mỹ thuật, Khoa học… cũng được đa số các học sinh trong lớp hưởng ứng.
Cô Ngọc Huyền tâm sự: “Không ngừng nghiên cứu các phương pháp truyền tải kiến thức là điều mà mỗi giáo viên của trường được khuyến khích. Một phần nữa là việc nhà trường sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến MS TEAM với rất nhiều công cụ hữu ích. Học sinh có thể nhìn được màn hình chia sẻ của giáo viên, hỏi - đáp trực tiếp cùng thầy cô và bạn bè, tăng tính tương tác giữa người dạy và người học”.
Một trong những phương pháp được cô Ngọc Huyền chỉ ra chính là hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh. Theo cô Ngọc Huyền, với các bạn nhỏ lần đầu được sử dụng máy tính, việc thực hiện các thao tác còn gặp nhiều khó khăn phải cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ rất nhiều. Như việc con mở máy tính, đăng nhập các tài khoản học tập và di chuyển vào các kênh học theo các môn…
Mặc dù vậy nhưng qua nhiều đợt học online, các bạn cơ bản thành thạo việc sử dụng các phần mềm học tập của mình, tự chủ trong việc học hơn. "Vậy làm thế nào để mỗi học sinh đến với trường học online sẽ cảm thấy vui vẻ và hứng thú hơn? Việc bị hạn chế giao tiếp, ngồi học nhiều với máy tính không tránh khỏi việc các con cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán, thay đổi trạng thái, tâm lí thường xuyên. Vậy nên mỗi thầy cô phải tự học hỏi, đổi mới trong các phương pháp học tập và rèn luyện những thói quen tích cực mỗi ngày cho học sinh”, cô Ngọc Huyền cho hay.
Đặc biệt, giải pháp đổi mới bài giảng online nữa là “Thay vì những bài giảng truyền thống, thầy, cô đưa các game học tập như: Quizizz, khoot, blooket, wordwall… vào bài giảng để tạo hứng thú hơn cho học sinh. Thay đổi không khí lớp học hay giúp học sinh tự tổ chức các nhóm học cùng nhau mà không có sự tham gia của giáo viên sẽ giúp học sinh được kết nối với bạn bè, học tập qua chính những người bạn. Qua đó, học sinh được chia sẻ với các bạn những thông tin bổ ích mình đã tìm hiểu được sẽ khuyến khích việc tự học, thích học hơn. Sau đó, thầy cô giảng lại bài, mở rộng kiến thức. Thầy cô kiểm soát được sự tiếp thu, tiến bộ của học sinh”, cô Ngọc Huyền chia sẻ.
Quả thực, cô giáo đã nhận được những phản hồi tích của các phụ huynh về việc tự giác làm bài tập của học sinh. Đây cũng là cách mà nhiều giáo viên đang nỗ lực tự đổi mới bài giảng online trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài.
Tăng tính tự chủ, vận động của học sinh
Nhiều giáo viên cho rằng, đổi mới chương trình, bài giảng online sẽ giúp học sinh không chỉ học tập các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh mà còn duy trì việc rèn luyện thể thao và học tập các môn học nghệ thuật khác. Điều này giúp các con có một tinh thần tốt nhất.
Việc bê nguyên chương trình học trực tiếp vào chương trình học online không còn phù hợp nên một số trường học, giáo viên đã đổi mới bài giảng của mình thông qua việc để học sinh học các dự án; tích cực làm mới những môn học thể thao, môn học nghệ thuật để giúp học sinh có tinh thần tốt nhất.
Em T.D (Học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Alpha) luôn mong chờ tiết thể dục mỗi ngày. T.D chia sẻ: “Em rất thích mỗi ngày thầy cho một bạn được điều khiển lớp học. Hôm nay em được làm lớp trưởng, gọi các bạn vào học. Em được đứng mẫu làm các động tác. Em rất hồi hộp”.
Việc triển khai học thể chất có hiệu quả ở Hà Nội phải kể đến nhiều trường như: Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Chu Văn An, Trường THCS Nhật Tân… Theo thầy Nguyễn Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ bộ môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Thành Công (Hà Nội) cho biết: Với môn học đặc thù, muốn tạo sức hút cho học sinh thì thầy, cô phải là người “truyền lửa”, giúp các em có sự yêu thích khi vào lớp học.
Cô Hạnh Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi cho rằng khi học những môn học này các em không phải khiên cưỡng, không phải ngồi thụ động trên màn hình nữa. Để tạo khí thế, các em có thể mặc đồng phục thể thao. Giáo viên cần giảm áp lực việc học, tăng sự hứng thú, tự luyện tập của học sinh".
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa phát động cuộc thi "Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021” trên toàn quốc. Cuộc thi nhằm tiếp tục xây dựng và làm phong phú thêm kho học liệu số của ngành giáo dục, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT, thích ứng với việc dạy và học trực tuyến, từ xa do tác động của dịch bệnh. Cuộc thi đã trở thành một sân chơi của các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong ngành giáo dục. Không chỉ thu hút các thầy, cô giáo trẻ tham dự, nhiều thầy, cô giáo nhiều năm kinh nghiệm cũng tham gia biên soạn và gửi bài dự thi.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), Trưởng Ban Tổ chức, cuộc thi được phát động tổ chức ngay sau các đợt tập huấn giáo viên về dạy học trực tuyến của ngành giáo dục. Chất lượng bài giảng đã được nâng lên rõ rệt, giáo viên đã áp dụng nhiều công cụ, công nghệ mới trong soạn bài giảng điện tử. Kho bài giảng trực tuyến sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng tới tất cả người học, tạo ra sự công bằng hơn trong giáo dục.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức thẩm định bài giảng. Những bài giảng đạt chất lượng sẽ được công bố ngay trên Kho học liệu số để học sinh sử dụng học trực tuyến.